Hiện nay pháp luật không còn quy định cụ thể về khái niệm doanh nghiệp nước ngoài. Trong Luật Đầu tư 2014 có quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”.
Cũng theo Luật Đầu tư 2014 “Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.”
Từ đó có thể rút ra doanh nghiệp nước ngoài là doanh nghiệp được các công ty nước ngoài thành lập để đầu tư phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam hoặc có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Doanh nghiệp nước ngoài khi thành lập tại Việt Nam theo hình thức 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh giữa các công ty với nhau, mở rộng thị trường tại Việt Nam, liên doanh giữa công ty nước ngoài với công ty Việt Nam phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo Luật Đầu tư 2014 :
“Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
– Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
– Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên”
I. Điều kiện thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
1. Điều kiện trong lĩnh vực đầu tư
Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư trong những ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư.
Khi thành lập doanh nghiệp nước ngoài, trước tiên cần lưu ý đến những lĩnh vực trong danh mục bị cấm đầu tư:
– Các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng: sản xuất, chế biến các chất ma túy., các dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của nhà nước…
– Các dự án gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam: các dự án xây dựng trong khuôn viên của các di tích lịch sử, kinh doanh văn hóa phẩm đồi trụy, buôn bán phụ nữ, trẻ em…
– Các dự án gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường: sản xuất hóa chất, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật…
– Các dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam; sản xuất các loại hóa chất độc hại hoặc sử dụng tác nhân độc hại bị cấm theo quy định của các điều ước quốc tế.
– Các dự án bị cấm đầu tư khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài vấn phải đáp ứng các điều kiện đầu tư như những nhà đầu tư Việt Nam. Ngoài danh mục những ngành nghề, lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam mà các nhà đầu tư cần tuân thủ, các lĩnh vực đầu tư có điều kiện còn bao gồm các lĩnh vực đầu tư theo lộ trình thực hiện cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Điều kiện của doanh nghiệp nước ngoài
* Nhà đầu tư
– Cá nhân: Phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, hoặc những trường hợp khác không được quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014.
– Pháp nhân: được thành lập hợp pháp theo pháp luật nước ngoài, có đầy đủ tư cách pháp nhân, vẫn đang tồn tại tại thời điểm thực hiện đầu tư.
* Về tài chính
– Năng lực tài chính của chủ đầu tư phải tương ứng với số vốn cam kết đầu tư vào dự án
– Ngân hàng giữ số tiền gửi sử dụng cho mục đích đầu tư của nhà đầu tư phải là ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam
– Các điều kiện về thành lâp công ty khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Thủ tục đăng ký chủ trương đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam thực hiện dự án đầu tư thì phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, trước khi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong một số trường hợp nhà đầu tư phải đăng ký chủ trương đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền
– Những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư 2014:
“1. Dự án không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;
b) Xây dựng và kinh doanh cảng hàng không; vận tải hàng không;
c) Xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia;
d) Thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí;
đ) Hoạt động kinh doanh cá cược, đặt cược, casino;
e) Sản xuất thuốc lá điếu;
g) Phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chức năng trong khu kinh tế;
h) Xây dựng và kinh doanh sân gôn;
2. Dự án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên;
3. Dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài;
4. Dự án khác thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.”
* Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng chính phủ:
Bước 1: Nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án. Hồ sơ bao gồm:
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư
– Bản sao chứng minh thư nhân dân/Hộ chiếu của nhà đầu tư là cá nhân, bản sao Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư là tổ chức
– Đề xuất dự án đầu tư
– Bản sao báo cáo tài chính 2 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất
– Phương án giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư (nếu có)
– Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường
– Đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án đầu tư.
Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lên cho Bộ Kế Hoạch và Đầu tư và gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có liên quan.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước, gửi cơ quan đăng ký đầu tư và Bộ Kế hoạch và đầu tư
Bước 4: Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư trình UBND tỉnh xem xét, có ý kiến thẩm định về hồ sơ dự án đầu tư và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bước 5: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Bước 6: Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
– Những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
+ Dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;
+ Dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
* Thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh:
Bước 1: Nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký đầu tư. Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, cơ quan đăng ký đầu tư phải thông báo kết quả cho nhà đầu tư.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình và gửi cơ quan đăng ký đầu tư.
Bước 4: Cơ quan quản lý về đất đai chịu trách nhiệm cung cấp trích lục bản đồ; cơ quan quản lý về quy hoạch cung cấp thông tin quy hoạch để làm cơ sở thẩm định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan đăng ký đầu tư.
Bước 5: Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 6: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Bước 1: Hoàn tất bộ hồ sơ theo quy định đối với từng trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư.
Bước 3: Cơ quan đăng ký đầu tư gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan khác và lập báo cáo trình UBND cấp tỉnh.
Bước 4: Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài
Bước 5: Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và đầu tư.
5. Thủ tục thành lập doanh nghiệp nước ngoài
Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cần chuẩn bị bộ hồ sơ để thành lập doanh nghiệp nước ngoài
Bước 1: Nộp hồ sơ tại Phòng Đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hồ sơ gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
– Điều lệ công ty
– Danh sách thành viên
– Bản sao các giấy tờ sau:
+ Thẻ căn cước công dân/ Giấy chứng minh nhân dân/ Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
+ Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.
+ Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
Bước 2: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nước ngoài, phải đăng bố cáo trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định
Bước 3: Doanh nghiệp tiến hành khắc con dấu. Doanh nghiệp tự quyết định số lượng và hình thức con dấu.
Bước 4: Công bố mẫu dấu của doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Bước 5: Hoàn tất nghĩa vụ thuế và các công việc khác để thành lập doanh nghiệp.