Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều hàng hóa ra thế giới. Ngoài vấn đề thị trường, doanh nghiệp cũng rất cần quan tâm tới việc bảo hộ thương hiệu tại những quốc gia xuất khẩu để tránh bị mất nhãn hiệu tại thị trường xuất khẩu khi có một bên thứ ba đăng ký, vừa nâng cao sự nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp tại thị trường xuất khẩu vừa nâng cao giá trị của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tại nước ngoài, một trong những khó khăn cho doanh nghiệp đó là không hiểu rõ hệ thống pháp luật bảo hộ của từng quốc gia, bên cạnh đó rào cản ngôn ngữ cũng là một vấn đề. Câu chuyện của Vinamit là một điển hình trong vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu xuất khẩu.
“Đức Thành” vốn là thương hiệu của Công ty CP Vinamit Việt Nam từ ngày đầu thành lập (1991) và cũng là thương hiệu phổ biến của Vinamit tại thị trường Trung Quốc. Từ năm 1997, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vinamit – ông Nguyễn Lâm Viên bắt đầu đưa sản phẩm mít sấy khô với thương hiệu Đức Thành sang Trung Quốc.
Trước khi xâm nhập và phát triển sản phẩm sang Trung Quốc, Vinamit đã đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu “Đức Thành” tại Trung Quốc. Vinamit đã thực hiện đầy đủ việc đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu nhưng lại chỉ đăng ký sở hữu thương hiệu tiếng Việt mà không đăng ký sở hữu thương hiệu bằng tiếng Hoa, nên ngay lập tức bị chính nhà phân phối của mình đi đăng ký độc quyền thương hiệu Đức Thành bằng tiếng Hoa. Nhà phân phối này đã khống chế thị trường của sản phẩm Đức Thành và nhanh chóng cho ra một sản phẩm tương tự.
Nguyên nhân gì dẫn đến việc để mất thương hiệu “Đức Thành” của Vinamit?
Theo Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh – Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) một trong những vấn đề chính dẫn đến tình trạng này là do quan điểm, nhận thức của doanh nghiệp về đăng ký bảo hộ thương hiệu. Việc đăng ký sẽ phụ thuộc vào mục tiêu thị trường của các doanh nghiệp. Do vậy, theo lẽ thường, ít có doanh nghiệp nào bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ (bao gồm các chi phí cho luật sư ở nước sở tại, cơ quan sở hữu trí tuệ thẩm định đơn) để đăng ký, duy trì nhãn hiệu ở một thị trường mà họ ít quan tâm. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nên họ sẽ cân nhắc vì việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài sẽ tốn kém.
Bên cạnh đó, những rào cản về pháp lý, đòi hỏi phải đầu tư công sức, tiền bạc để tìm kiếm, thu thập do mỗi quốc gia có yêu cầu, thủ tục riêng cũng làm nản lòng không ít doanh nghiệp Việt Nam. Việc bảo hộ nhãn hiệu mang tính lãnh thổ, tức việc nhãn hiệu của doanh nghiệp được bảo hộ ở Việt Nam, không đồng nghĩa với việc nhãn hiệu cũng được bảo hộ ở Úc hay nước khác. Do đó, cần tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của ở thị trường nước ngoài ngay khi có kế hoạch mở rộng thị trường sang nước khác, hay ngay khi nhận biết được “độ mạnh” thương hiệu của mình ở thị trường trong nước có thể là “miếng mồi ngon” của một số đối tượng tại thị trường nước ngoài.
Vậy, rủi ro hay thiệt hại mà các doanh nghiệp Việt có thể phải đối diện nếu không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài là gì?
Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh cho biết, nếu không thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài thì khi doanh nghiệp phát triển, muốn mở rộng hơn nữa về thị trường kinh doanh mà phát hiện nhãn hiệu của mình đã bị một đơn vị khác đăng ký bảo hộ sẽ dẫn tới định hướng phát triển, mở rộng thị trường sẽ khó khăn hơn nhiều so với dự định ban đầu.
Nhãn hiệu bị đơn vị khác đăng ký bảo hộ đồng nghĩa với việc không những không giữ được thị trường kinh doanh mà còn có khả năng bị rủi ro về kiện tụng, tranh chấp nhãn hiệu giữa các bên.
Để “đòi lại” được nhãn hiệu của mình, các doanh nghiệp Việt sẽ phải bỏ ra không ít thời gian và tiền bạc vì loại tranh chấp này thường kéo dài.
Có thể kể đến như trường hợp thương hiệu “Đức Thành” của Vinamit, quá trình “đòi” lại thương hiệu gặp nhiều gian nan khi phải theo đuổi vụ kiện với ông Xie Hong Yi. Sau thời gian dài nộp hồ sơ kiến nghị đến Cục Sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc, cuối cùng Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc cũng đưa ra phán quyết: Thương hiệu Đức Thành là của Vinamit và yêu cầu người được cấp quyền sở hữu thương hiệu trước đó là ông Xie Hong Yi phải trả lại thương hiệu Đức Thành cho Vinamit. Tuy nhiên phía ông Xie Hong Yi không thực thi mà còn kiện ngược Vinamit ra Tòa án thương mại Bắc Kinh , Trung Quốc. Tới cuối năm 2012, Tòa án thương mại Bắc Kinh tuyên bố Công ty cổ phần Vinamit đã thắng kiện trong vụ tranh chấp thương hiệu Đức Thành với ông Xie Hong Yi.
Bài học rút ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài
Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh cho rằng, các doanh nghiệp Việt vẫn còn lúng túng trong việc thiết lập các hàng rào bảo vệ đối với tên thương hiệu (nhãn hiệu) của mình, đặc biệt tại thị trường nước ngoài.
Các doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký nhãn hiệu độc quyền của mình ở thị trường nước ngoài ngay khi có kế hoạch mở rộng thị trường sang nước khác hay ngay khi nhận biết được sự phổ biến của thương hiệu của mình ở thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thận trọng và kỹ lưỡng trong việc quản trị mối quan hệ với đối tác khi xuất khẩu sản phẩm. để đảm bảo tối đa quyền lợi của các bên.
Đặc biệt hơn nữa, để nắm bắt được các quy định pháp lý ở các nước thị trường,doanh nghiệp Việt nên tìm kiếm các đối tác pháp lý uy tín hỗ trợ việc bảo hộ thương hiệu của mình tại thị trường nước ngoài.
Doanh nghiệp Việt trên con đường chinh phục thị trường nước ngoài, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ lưỡng về vấn đề chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thì vấn đề thiết lập cơ chế bảo hộ nhãn hiệu của mình là điều cần nghiêm túc đầu tư. Đặc biệt, với công tác hội nhập đang rất bức phá như hiện tại thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại, gần nhất như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), thì vấn đề bảo hộ các tài sản trí tuệ và cụ thể là nhãn hiệu lại cần được quan tâm đúng mực hơn nữa.
>>Tham khảo: Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu trọn gói
Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS
Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…
Khúc Thị Thu – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế,... hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.
Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,....
Trần Mai Hương – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Thu là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...