Nhận thấy việc sử dụng pháo nổ gây ảnh hưởng xấu đến tình tình xã hội, cũng như sức khỏe, tính mạng và tài sản của con người. Ngay từ năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị số 406 – TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Theo đó, việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo ( trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa) sẽ bị nghiêm cấm kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1995.
Sự ra đời của Bộ luật hình sự năm 1999 đã kế thừa những tư tưởng tiến bộ của Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, với đời sống xã hội luôn biến chuyển đòi hỏi Nhà nước cần có những điều chỉnh với những bất cập mới nổi lên. Vì vậy, tại Bộ luật hình sự năm 1999, Nhà nước đã dành ra một điều ( điều 155) để quy định, điều chỉnh hoạt động sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (trong đó có pháo nổ).
“Điều 155. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm
Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các điều 153, 154, 156, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính rất lớn;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc thu lợi bất chính đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Đến Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, có thể thấy sự tiến bộ rõ rệt khi thay vì quy định trong một điều luật. Tại đây, “Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” đã được quy định chi tiết và rõ ràng trong hai điều luật là điều 190 và điều 191.
Điều 190, Bộ luật hình sự 2015 quy định chi tiết về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm ( trong đó có pháo nổ). Với việc quy định rõ ràng, tùy theo mức độ vi phạm với ba khung hình phạt chính là: “phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm với hành vi vi phạm tại khoản 1; phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm với hành vi vi phạm tại khoản 2; phạt tù từ 08 năm đến 15 năm với hành vi vi phạm tại khoản 3” và một khung hình phạt bổ sung. Theo đó, người có hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ có thể phải chịu mức án cao nhất là tù 15 năm. Ngoài ra, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn mở rộng đối tượng điều chỉnh phải chịu trách nhiệm đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm (bao gồm cả pháo nổ) tại khoản 5, điều 190.
Điều 191, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Với tội danh này, có ba khung hình phạt chính: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với hành vi vi phạm khoản 1; phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm với hành vi vi phạm khoản 2; phạt tù từ 05 năm đến 10 năm với hành vi vi phạm khoản 3; Ngoài ra, người phạm tội có thể phải chịu hình phạt bổ sung phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Cũng giống như với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm đã mở rộng đối tượng điều chỉnh với pháp nhân.
Có thể thấy, với những ảnh hưởng xấu của việc sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ gây ra cho con người. Nhà nước đã có những chính sách, quy định hết sức hợp lí, tích cực nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm. Những quy định pháp luật về khung hình phạt khá nặng và có tính răn đe cao đối với những đối tượng có ý định thực hiện.