Nhu cầu tìm kiếm việc làm trên thị trường đang ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội tìm kiếm việc làm của hàng triệu người lao động( NLĐ ) sẽ khó khăn hơn. Để có thể tìm được việc làm, đảm bảo nhu cầu sống tối thiếu, có không ít trường hợp NLĐ đã ký những hợp đồng lao động( HĐLĐ ) với những điều khoản “thiệt thòi” nhưng chính bản thân NLĐ lại không hay biết điều đó. Mặc dù pháp luật lao động cho phép người sử dụng lao đông( NSDLĐ ) và NLĐ được tự do thỏa thuận những điều khoản trong HĐLĐ tuy nhiên, không phải thỏa thuận nào cũng là những thỏa thuận được pháp luật thừa nhận.
Những thỏa thuận trái với pháp luật lao động mà người lao động cần biết
Dưới đây là một số những thỏa thuận trái pháp luật thường gặp:
1. Thỏa thuận trả tiền lương dưới mức tối thiểu vùng.
Theo quy định tại Nghị định số 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, cụ thể là tại Điều 3 Nghị định này thì mức lương tối thiểu vùng được áp dụng như sau:
Địa bàn hoạt động |
Mức lương tối thiểu vùng |
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I |
3.750.000 đồng/tháng |
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng II |
3.320.000 đồng/tháng |
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng III |
2.900.000 đồng/tháng |
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng IV |
2.589.000 đồng/tháng |
⇒ Như vậy, từ căn cứ trên thì mức lương chính thức mà NLĐ sẽ được nhận khi ký hợp đồng lao động sẽ không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Nếu doanh nghiệp vi phạm việc trả lương, có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng tùy theo số lượng NLĐ mà NSDLĐ đã vi phạm.
2. Thỏa thuận thời gian thử việc vượt quá thời gian theo quy định của pháp luật
Thời gian thử việc có thể kéo dài không quá 06 ngày, không quá 30 ngày hoặc không quá 60 ngày tùy theo tính chất và mức độ phức tạp của công việc. Trong thời gian thử việc, mức tiền lương NLĐ nhận được không ít hơn 85% mức tiền lương chính thức của công việc đó. Tuy nhiên hiện nay, việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc đào tạo, huấn luyện, dạy nghề, cho học việc, thử việc nhằm lảng tránh trách nhiệm thanh toán đủ mức lương cho NLĐ khá phổ biến. Và NLĐ, có thể do thiếu những thông tin pháp lý cần thiết hoặc rơi vào trạng thái cần việc nên đã chấp nhận những thỏa thuận bất lợi này.
Đối với vi phạm này, NSDLĐ có thể bị phạt từ 2000.000 đồng đến 5000.000 đồng.
3. Không thỏa thuận về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc hoặc thỏa thuận không đóng, đóng không đúng mức BHXH
NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên hoặc HĐLĐ không xác định thời hạn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. NSDLĐ và NLĐ không được thỏa thuận trái quy định của Luật BHXH.
Hành vi thỏa thuận không đóng hoặc chưa đóng BHXH bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài theo HĐLĐ.
4. Thỏa thuận về việc vi phạm các quy định của doanh nghiệp, NLĐ sẽ bị phạt tiền
Thực tế rất nhiều doanh nghiệp áp dụng hình thức phạt tiền nhằm để nâng cao ý thức trách nhiệm của NLĐ, đồng thời ràng buộc NLĐ bằng việc quy định trong Nội quy của công ty. Nếu NLĐ không chấp nhận Nội quy của công ty thì thỏa thuận giữa hai bên không đạt được và bạn có thể không làm việc ở công ty.
Bộ Luật Lao động năm 2012 cấm doanh nghiệp sử dụng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương NLĐ thay cho kỷ luật lao động. Nếu vi phạm quy định này thì NLĐ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng.
5. Thỏa thuận thời gian làm thêm giờ quá quy định pháp luật
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh đồng thời đẩy mạnh giảm tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tăng thời gian làm việc của NLĐ là một trong những quy định hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng.
Tuy nhiên, số giờ làm thêm không phải do doanh nghiệp toàn quyền quyết định mà phải đặt dưới sự điều chỉnh của pháp luật. Cụ thể, khi được sự đồng ý của NLĐ thì số giờ làm thêm của NLĐ sẽ là:
− Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày;
− Trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày;
− Không quá 30 giờ trong 01 tháng ;
− Tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm.
Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày thì NSDLĐ phải bố trí cho NLĐ nghỉ bù cho số thời gian không được nghỉ.
Trường hợp thỏa thuận làm thêm giờ vượt quá quy định, xử phạt hành chính với NSDLĐ từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Thỏa thuận hạn chế quyền tự do cá nhân, tự do giao kết hợp đồng và tự do hôn nhân của NLĐ
a) Thỏa thuận không cho NLĐ làm thêm tại DN khác
Các doanh nghiệp thường lo sợ việc “chảy máu chất xám” hoặc bị tiết lộ bí mật kinh doanh nên thường đưa ra thỏa thuận cấm NLĐ của mình là thêm tại các doanh nghiệp khác. Thỏa thuận cấm này trái với quy định tại Điều 21 BLLĐ 2012 về việc giao kết HĐLĐ với nhiều NSDLĐ. Theo quy định này, chỉ cần NLĐ bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết với doanh nghiệp thì NLĐ có quyền tự do giao kết HĐLĐ với nhiều NSDLĐ khác.
b) Thỏa thuận trì hoãn việc kết hôn, sinh con của NLĐ
Những thỏa thuận như cấm yêu đương tại nơi làm việc hoặc không được kết hôn trong bao lâu hay chấm dứt hợp đồng nếu NLĐ lỡ vi phạm việc kết hôn, sinh con,… Tưởng chừng vô lý vậy mà nhiều doanh nghiệp đã áp dụng những thỏa thuận này khi giao kết hợp đồng với NLĐ. Kết hôn hay sinh con là việc cá nhân của mỗi người, trong trường hợp vi phạm về việc tạm hoãn sinh con hay tạm hoãn hôn nhân với lao động nữ, NSDLĐ có thể bị phạt hành chính từ 5000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, trường hợp NLĐ vi phạm việc tạm hoãn sinh con, dẫn đến NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, nếu trong việc thỏa thuận HĐLĐ giữa NSDLĐ với NLĐ có điều khoản quy định về việc vi phạm tạm hoãn sinh con, tạm hoãn kết hôn sẽ bị sa thải, đuổi việc, kỷ luật…thì mức phạt tiền với NSDLĐ sẽ là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trên đây là một vài thỏa thuận trái pháp luật có thể gặp trong quá trình giao kết HĐLĐ. Khi gặp phải những trường hợp như vậy thì cần trao đổi thẳng thắn với NSDLĐ, nhờ tổ chức công đoàn tại cơ sở can thiệp. NLĐ cần nói rõ các quy định của pháp luật để hai bên có những thỏa thuận khác hợp lý hơn.
Các mức phạt nêu trên căn cứ theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP Quy định định về xử phạt vi phạm hàn chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.