Mới đây, một người tiêu dùng đã chia sẻ những hình ảnh là những chiếc khăn mua từ cửa hàng Khaisilk – thương hiệu tơ lụa hàng đầu Việt Nam – và cho rằng thương hiệu này đã lừa dối khách hàng suốt hàng chục năm qua khi phát hiện những chiếc khăn mình đặt mua vừa có mác KHAISILK – Made in Vietnam” vừa có mác “Made in China”. Ngoài ra, khách hàng này còn phát hiện nhiều chiếc khăn khác của Khaisilk có dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chứ “Made in China”.
Sau sự việc trên, đại diện nhãn hàng đã giải thích với khách về việc lấy nhầm sản phẩm từ lô hàng này sang lô hàng khác và đã xin lỗi khách hàng. Tuy nhiên, lời giải thích này khiến người tiêu dùng không thể chấp nhận.
Một cách thẳng thắn và bất ngờ, chiều ngày 25/10, doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận, thương hiệu Khaisilk đã bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc từ lâu, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng. Ông Khải cho biết, việc nhập lụa Trung Quốc để bán lẫn với lụa Việt Nam đã có từ lâu, xuất phát vào giữa những năm 90 khi Khaisilk không tìm đủ nguồn hàng trong nước.
Những vấn đề pháp lý xoay quanh vụ việc trên được các Luật sư thuộc Công ty TNHH Luật TGS đưa ra như sau:
a.Tội lừa dối khách hàng :
Có thể thấy, Khaisilk đã có hành vi lừa dối người tiêu dùng khi đã sử dụng hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu sản phẩm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị thương hiệu Việt. Việc thay đổi nhãn mác của sản phầm làm cho khách hàng phải thanh toán số lượng tiền nhiều hơn giá trị hàng hóa, dịch vụ thực tế là hoàn toàn cố ý, đã biết rõ hành vi lừa dối khách hàng là nguy hiểm nhưng vì lợi nhuận nên vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Động cơ của hành vi này là vụ lợi và mục đích nhằm thu lợi bất chính. Theo quy định tại Điều 162 Bộ luật hình sự, hình phạt nhẹ nhất cho tội này cảnh cáo, phạt tiền; nặng nhất là phạt tù đến ba năm.
“Điều 162. Tội lừa dối khách hàng
1.Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2.Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”
b.Hành vi buôn bán hàng giả :
Doanh nghiệp này có hành vi nhập hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó cắt mác và dán “Made in Vietnam” dưới thương hiệu lụa Khaislik thì ở đây có dấu hiệu của hành vi buôn bán hàng giả.
Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hàng giả bao gồm:
– Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa;…
– Hàng hóa có nhãn, bao bì giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
c.Hàng hóa có nhãn, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp :
– Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo của Luật Sở hữu trí tuệ;
– Tem, nhãn, bao bì giả.
Như vậy, hàng hóa có nhãn, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn, nơi sản xuất cũng được coi là hàng giả.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Khải đã thừa nhận rằng việc nhập hàng từ Trung Quốc đã bắt đầu từ những năm 90 khi nguồn hàng trong nước không đủ cung cầu. Như vậy, trong suốt một thời gian dài, doanh nghiệp này đã thực hiện việc kinh doanh với khoảng 50% sản phầm có nguồn gốc từ Trung Quốc trên toàn bộ hệ thống cửa hàng mang thương hiệu Khaisilk đều ở những địa điểm “đắt giá” ở Hà Nội và Sài Gòn.
Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành thì hành vi buôn bán hàng giả có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Điều 156 Bộ luật hình sự quy định như sau:
“Điều 156. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1.Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
g) Thu lợi bất chính lớn;
h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
d.Vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ :
Việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuấ xứ từ Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn mác của Khaisilk cho thấy có dấu hiệu vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ. Hiện nay, Bộ luật hình sự có quy định về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam như sau:
“Điều 171. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Người nào vì mục đích kinh doanh mà chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi, xuất xứ hàng hoá hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đang được bảo hộ tại Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm :
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đã vào cuộc tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và đưa ra nhận định của mình xoay quanh vụ việc trên.