Thời gian qua có một số khán giả truyền hình có hỏi về thủ tục xác định năng lực hành vi dân sự. Trả lời xung quanh vấn đề này phóng viên Đài Truyền hình Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Hồng Dinh – Công ty Luật TNHH TGS (Thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội). Nội dung phỏng vấn được phát vào ngày 29/06/2019 Kênh H1 (Đài Truyền hình Hà Nội). Cụ thể như sau:
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Dinh – Công ty Luật TNHH TGS
Câu hỏi 1: Với một người mà bị mất năng lực hành vi dân sự thì thủ tục xác định như thế nào thưa Luật sư?
Luật sư trả lời:
Khái quát về khái niệm năng lực hành vi dân sự là gì ? Đó là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Khi một người khi bị mất năng lực hành vi dân sự thì người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự dựa trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần (Khoản 1 Điều 22 BLDS 2015).
Thủ tục tại tòa để yêu cầu một người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
Bước 1: Chuẩn bị đơn yêu cầu và các chứng cứ gửi cho Tòa án có thẩm quyền quy định tại Mục 2 Chương III của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Những tài liệu người yêu cầu cần nộp cụ thể như sau:
– Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây (Điều 362 BLTTDS 2015):
+ Ngày, tháng, năm làm đơn;
+ Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
+ Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
+ Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
+ Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
+ Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
+ Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp như:
– Giấy CMND, Sổ hộ khẩu của người yêu cầu;
– Bản kết luận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và các chứng cứ khác để chứng minh người bị yêu cầu bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Về đơn, bạn có thể đến Tòa án xin mẫu đơn, về chứng cứ thì ban đầu có thể là giấy xác nhận của cơ sở y tế tại địa phương là người đó có biểu hiện không bình thường về tinh thần hoặc có giấy khám chữa bệnh về tâm thần, kết quả giám định (nếu có).
Bước 2: Sau khi xem xét đơn yêu cầu đủ điều kiện thì Tòa án thông báo cho người yêu cầu nộp tiền lệ phí yêu cầu và Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu sau khi nhận được biên lai nộp tiền lệ phí yêu cầu.
– Chuẩn bị xét đơn yêu cầu (thời hạn 01 tháng) kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn (Điều 366 BLTTDS 2015). Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án có thể trưng cầu giám định sức khoẻ, bệnh tật hoặc giám định pháp y tâm thần . Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu (1 tháng) mà chưa có kết quả giám định, thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 1 tháng.
– Khi thấy đủ điều kiện mở phiên họp thì Tòa án ra quyết định mở phiên họp.
– Tòa án phải gửi ngay quyết định mở phiên họp và hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày VKS nhận được hồ sơ VKS phải nghiên cứu xong. Hết thời hạn 07 ngày VKS phải trả hồ sơ cho Tòa án.
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu, Tòa phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Câu hỏi 2: Thưa Luật sư, vậy từ bao nhiêu tuổi trở lên thì cá nhân được xác định là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ? Người chưa đủ năng lực hành vi dân sự mà phải tham gia các giao dịch dân sự để đảm bảo có đủ năng lực hành vi dân sự thì pháp luật quy định cụ thể như thế nào thưa Luật sư ?
Luật sư trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Bộ luật dân sự 2015 thì người từ đủ 18 tuổi trở lên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ , trừ trường hợp quy định tại các điều 22 (người mất năng lực hành vi), 23 (người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi) và 24 (người hạn chế năng lực hành vi) của Bộ luật này.
Người chưa đủ tuổi mà phải tham gia các giao dịch dân sự để đảm bảo năng lực hành vi dân sự thì được pháp luật quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất: Giao dịch dân sự đối với người dưới 6 tuổi (Khoản 2 Điều 21 BLDS 2015)
Dưới sáu tuổi, khả năng nhận thức hạn chế. Bởi vậy, các giao dịch dân sự của người dưới sáu tuổi là do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập và thực hiện. Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 thì bố, mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên. Tức là các giao dịch dân sự của trẻ dưới sáu tuổi sẽ hoàn toàn do bố, mẹ là người đại diện theo pháp luật của trẻ xác lập và thực hiện, người chưa đủ 6 tuổi không được tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự. Cụ thể, bố mẹ tham gia thỏa thuận, ký kết, thực hiện những hành vi đã được thỏa thuận trong giao dịch hướng đến lợi ích của con.
Thứ hai: Giao dịch dân sự của người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi (Khoản 3 Điều 21 BLDS 2015)
Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Những giao dịch còn lại, việc xác lập và thực hiện vẫn phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Thứ ba: Giao dịch dân sự của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (Khoản 4 Điều 21 BLDS 2015)
Theo Bộ luật Lao động, những người thuộc độ tuổi này đã có thể tham gia lao động và có thu nhập. Như vậy họ có khả năng nhận thức và có thể có tài sản riêng. Bởi vậy Bộ luật Dân sự cho phép họ tự mình thực hiện các giao dịch dân sự mà không cần có sự cho phép của người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự quy định một số trường hợp giao dịch dân sự của những người thuộc độ tuổi này phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật như: Giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật. Một chú ý, trong trường hợp người chưa thành niên không có người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo pháp luật không đủ điều kiện để đại diện thì người giám hộ sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật được quy định trong luật.