Hãng Luật TGS (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) với đội ngũ Tiến sĩ, Thạc sỹ nghiên cứu luật học, Luật sư, chuyên viên pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc trên toàn lĩnh vực pháp luật như: Hình sự, Doanh nghiệp, Đất đai, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh và thương mại… Chúng tôi luôn mong muốn cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế công bằng xã hội của đất nước.
Hãng Luật TGS đã có nhiều mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều doanh nghiệp, công ty, các nhà nghiên cứu, nhà báo, đài truyền hình trên khắp cả nước. Đặc biệt, Luật TGS cùng với Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội đã cùng hợp tác nhiều lần, nhiều năm trong các buổi phỏng vấn, trả lời câu hỏi của các Quý khán, thính giả nhằm chung tay đưa pháp luật tới cộng đồng, tới toàn xã hội.
Vừa qua, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã mời Hãng Luật TGS tham gia buổi phỏng vấn về một vấn đề đang được dư luận, nhân dân rất quan tâm gần đây, đó là chủ đề: “Xây dựng chính quyền điện tử”. Đáp lại lời mời, Hãng Luật TGS đã quyết định cử Đại tá, Tiến sỹ luật học Lê Ngọc Khánh để đại diện cho Luật TGS tham gia buổi phỏng vấn để giải đáp các thắc mắc của người dân hiện nay về chủ đề này. Buổi phỏng vấn được phát trực tiếp trên kênh phát thanh 90FM vào lúc 15 giờ, ngày 25 tháng 04 năm 2019 tại chuyên mục Pháp luật và Đời sống.
“Chính phủ điện tử (CPĐT; tiếng Anh: e-Government) là tên gọi của một chính phủ mà mọi hoạt động của nhà nước được thay đổi theo một khái niệm hoàn toàn mới, chính phủ đó gần và thuận lợi với công dân hơn, bằng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mọi quan hệ giữa chính phủ và công dân bảo đảm tính minh bạch, công khai, thuận tiện, bảo đảm sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân với chính phủ; một chính phủ của dân, vì dân và vì sự phồn thịnh của đất nước trong một môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.”
Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn một số nội dung chính đã được phát sóng trên kênh của Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội để quý độc giả và toàn thể nhân dân theo dõi.
Phóng viên Thu Hiền của Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội đã đưa ra một số câu hỏi liên quan đến chủ đề này như sau:
1. Những thay đổi gần đây khi đi làm việc tại các cơ quan công quyền?
Theo Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, thời gian gần đây việc thực hiện các thủ tục hành chính đã “dễ chịu” hơn khá nhiều. Các thủ tục hành chính đã dần trở nên đơn gian, ngắn gọn hơn; việc tổ chức, sắp xếp, phân chia thẩm quyền giải quyết, xử lý các thủ tục hành chính khoa học, giúp cho người dân ít phải chờ đợi khi thực hiện.
Thái độ phục vụ của cán bộ thực hiện đã được cải thiện đáng kể. Và đặc biệt là chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử đã và đang được đưa vào hiện thực. Giúp cho việc thực hiện thủ tục hành chính trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
2. Ý nghĩa của những thành tựu đã đạt được của thành phố Hà Nội trong việc xây dựng chính phủ điện tử?
“Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội đã có tổng cộng 1055 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, trong đó có 761 dịch vụ đang vận hành chính thức và 294 dịch vụ đã xây dựng, vận hành thử nghiệm. Tính từ tháng 10/2018 đến nay, mức dộ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt từ 98% đến 100% với 500.000 hồ sơ được xử lý”.
Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh cho rằng những con số này vừa mang ý nghĩa tích cực nhưng cũng là con số để chúng ta suy nghĩ, trăn trở về một Chính phủ điện tử toàn diện, rộng khắp, mang lại sự thuận tiện hơn nữa cho người dân, và cũng là cho toàn xã hội. Luật sư Khánh đã phân tích cụ thể về thành tựu cũng như thách thức và đưa thêm những con số cụ thể hơn trong buổi phỏng vấn.
3. Sự thuận tiện khi giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng?
Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh đáp: “Việc thực hiện thủ tục hành chính qua môi trường mạng thông qua các Dịch vụ công được cung cấp qua các Website là vô cùng tiện lợi. Đặc biệt là với dịch vụ công cấp 3 và cấp 4.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: còn cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.”
Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh đưa ra những ví dụ trực quan, liên quan trực tiếp đến những nhu cầu hàng ngày của người dân, chứng minh cho sự tiện lợi của việc thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng.
4. Nhận xét về công tác tuyên truyền, phổ biến Dịch vụ công tới người dân tại địa bàn thành phố Hà Nội ?
Theo Luật sư: Công tác tuyên truyền, phổ biến Dịch vụ công trực tuyến tới người dân còn chưa thực sự tốt. Bởi lẽ qua theo dõi, số lượt yêu cầu thực hiện dịch vụ công mức độ 4 còn ít bởi lẽ phần lớn người dân còn chưa biết đến dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của thành phố để sử dụng, hoặc là có biết nhưng lại lúng túng trong việc thực hiện. Người dân chỉ biết đến và quan tâm hơn khi mà chính bản thân họ phát sinh nhu cầu thực hiện thủ tục và đến cơ quan hành chính thì lúc đó họ mới được hướng dẫn, tuyên truyền.
Một tình trạng nữa đó là một bộ phận cư dân là người lao động nông thôn, vùng sâu vùng xa không có máy vi tính, không biết sử dụng Internet. Quận huyện ngoại thành, vùng ven, hệ thống mạng đôi khi còn gặp trục trặc khi truyền tải dữ liệu nên việc đăng ký hay cập nhật khó khăn. Đó là chưa kể đến tâm lý lo ngại về mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, và cũng vì thói quen cố hữu cho nên nhiều người vẫn chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng. Điều này chứng minh, người dân còn chưa hiểu hết về những lợi ích và đảm bảo của các dịch vụ công trực tuyến.
5. Đánh giá về nội dung và hình thức hoạt động của các mô hình nhằm đưa dịch vụ công trực trở thành khái niệm gần gũi với người dân, doanh nghiệp; mà họ còn tự giác, chủ động sử dụng dịch vụ khi tiến hành nộp những thủ tục của mình?
Đối với người dân, việc tiếp cận với cái mới luôn có sự khó khăn. Việc triển khai các mô hình xây dựng điểm truy cập dịch vụ công trực tuyến tại các khu dân cư, tổ dân phố có thể coi là rất phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Mô hình này nhằm để tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng cho người dân ở các khu dân cư, tổ dân phố sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách chủ động, nhanh chóng làm quen với mô hình mới mẻ này. Khi người dân đã nắm bắt được về tính thuận tiện, nhanh chóng thì tự nhiên họ sẽ ưu tiên sử dụng. Dần dần nó sẽ trở thành thói quen, kỹ năng của chính họ. Với tính tiện lợi của Dịch vụ công trực tuyến tôi tin rằng người dân sẽ tự giác, chủ động sử dụng ngay sau một vài lần thực hiện đầu tiên.
6. Suy nghĩ, đánh giá về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Website: Dichvucong.hanoi.gov.vn
Với sự ra đời của Website Dịch vụ công đã tạo ra một địa chỉ thống nhất cho mọi người dân tại toàn bộ thành phố Hà Nội để thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng nhất.
Khi vào để thực hiện thủ tục, trang web sẽ hiển thị mọi thông tin mà bạn cần cung cấp một cách ngắn gọn, dễ hiểu, sau đó cán bộ xử lý sẽ tiếp nhận qua phần mềm chuyên dụng hoặc yêu cầu bổ sung, rồi trả giấy hẹn. Quy trình này cũng chỉ mất vài phút đồng hồ.
Để truy cập một Website là điều quá dễ dàng cho mọi người, vậy một thủ tục hành chính mà cũng dễ dàng như vậy thì có thể nói là bước đột phá, là sự tiến bộ vượt bậc của thành phố.
7. Từ tháng 08/2019, HN đã đưa vào thử nghiệm phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 thống nhất toàn TP. Đây có thể coi là bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính. Nhận định về sự đột phá này?
Với việc triển khai thử nghiệm phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Cũng theo chỉ đạo kể từ ngày 17/11/2018, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên Thành phố (trừ các dịch vụ công trực tuyến do bộ ngành triển khai) phải được thực hiện tập trung trên Hệ thống Một cửa điện tử toàn Thành phố dùng chung 3 cấp. Dừng việc duy trì vận hành các ứng dụng điện tử do các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai trước đây hoặc các hình thức thực hiện cũ khác.
Phần mềm một cửa điện tử là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tin học hóa các giao dịch giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan hành chính nhà nước và giữa các cơ quan hành chính theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”. Hệ thống tích hợp dùng chung cho tất cả các cấp nhằm cung cấp một môi trường nhất quán, là một đầu mối thống nhất cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết công việc. Hệ thống phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thống nhất toàn thành phố, tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp kết nối này là bước đột phá quan trọng, nhằm đưa cả thành phố trở thành một hệ thống hoạt động thống nhất, chuyên nghiệp hơn, tiến rất gần tới mục tiêu trở thành một thành phố hành chính điện tử thông minh, hiện đại.
Hiện nay, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã được triển khai đồng bộ hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thống nhất toàn thành phố đảm bảo 55% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4.
Hệ thống phần mềm một cửa điện tử dùng chung của thành khai thác có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
8. Những khó khăn của các huyện ngoại thành khi bắt tây xây dựng chính quyền điện tử. Trình độ dân trí không đồng đều, sự tiếp cận với máy tính có kết nối mạng internet còn hạn chế,… là những nguyên nhân cơ bản. Đánh giá về thực trạng này, và sự ảnh hưởng của các nguyên nhân tới việc xây dựng chính quyền điện tử?
Thực trạng này tôi cũng đã có nêu qua ở phần thực trạng tuyên truyền, phổ biến dịch vụ công trực tuyến tới người dân, do nó có sự liên quan tới nhau. Trình độ dân trí còn không đồng đều là một hiện thực vẫn còn tồn tại ở nước ta, nhiều người dân vẫn chưa thể tiếp cận được sự phát triển của khoa học, công nghệ. Đa số là một bộ phận cư dân là người lao động nông thôn không có máy vi tính, không biết sử dụng Internet; hoặc người cao tuổi. Có thể các bạn nghĩ là ở thành phố Hà Nội thì ai cũng phải biết một chút về máy tính hay tin học, nhưng điều đó là không đúng, ở các vùng nông thôn ngoại thành vẫn còn khá nhiều người như vậy. Việc sử dụng máy tính đối với họ là không tối cần thiết, và họ nghĩ việc sử dụng công nghệ thông tin là quá khả năng của họ.
Đồng thời việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân chưa tốt làm cho người dân đánh giá thấp tầm quan trọng của dịch vụ công trực tuyến này.
Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn tới việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền điện tử được đề ra là để phục vụ nhân dân, nhưng nhân dân lại không biết thực hiện như thế nào, và nhân dân lại không thực hiện theo thì làm sao mà xây dựng.
9. Ngoài ra còn các trục trặc liên quan đến phần mềm. Với những khó khăn như thế thì thành phố phải có những giải pháp gì?
Thành phố Hà Nội cần phải sớm đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết hạn chế này, những giải pháp có thể cân nhắc như là:
– Việc tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn phải được thực hiện trực tiếp tại các khu dân cư, khối phố, cộng đồng doanh nghiệp.
– Đẩy mạnh tuyên truyền qua các phóng sự, kênh truyền hình, báo giấy, báo điện tử, loa phóng thanh về việc thực hiện dịch vụ công này.
– Dừng việc thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức đã cũ, yêu cầu người dân phải thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến, đồng thời hướng dẫn trực tiếp người dân thực hiện.
– Lớp trẻ hiện nay cũng là một bộ phận quan trọng, bởi lẽ họ dù là ai những cũng đều có sự tiếp cận với khoa học công nghệ thông tin, họ là những người có thể thay cho gia đình để thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng, ngoài ra họ còn là thế hệ tương lai do đó còn cần phải tuyên truyền ở nhà trường cho các học sinh, sinh viên.
– Triển khai hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu tại các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, ngoại thành. Cụ thể UBND các huyện, thành phố chỉ đạo mở điểm hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các điểm dân cư. Các điểm này được trang bị đầy đủ thiết bị (máy tính, máy in, máy quét, mạng Internet, bàn ghế, nước uống).
– Đào tạo, tập huấn chuyên môn kỹ càng cho các cán bộ, người quản lý,…. trong cơ quan.
– Bổ sung đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp thực hiện quản lý, theo dõi hoạt động của phần mềm một cửa này, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, cán bộ, người dân, người quản lý bất cứ lúc nào.
Đó chỉ là những ý kiến của cá nhân tôi, thành phố cũng đã và đang thực hiện một số các giải pháp nhất định và dần mang lại hiệu quả.
10. Vai trò của người dân trong việc xây dựng chính quyền điện tử?
Nhà nước ta là nhà nước: Do dân, vì dân. Cho dù là chính phủ điện tử đi chăng nữa, thì triết lý đó cũng không hề thay đổi.
Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử – tại phiên họp thứ nhất của ủy ban, đã khẳng định: Phát triển Chính phủ điện tử phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Đây không chỉ thể hiện tầm nhìn, mà còn là một định hướng hoàn toàn đúng đắn. Chính phủ Điện tử suy cho cùng không chỉ tạo sự thuận lợi cho công tác quản lí điều hành của nhà nước, mà người dân, doanh nghiệp cũng được hưởng những tiện ích từ đó.
Người dân là người thực hiện các thủ tục hành chính, do vậy việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để hoàn thiện các dịch vụ hành chính công theo định hướng tiện lợi, công khai, minh bạch và hiệu quả là rất cần thiết.
Người dân không chỉ có vai trò trong việc khuyến nghị lấp các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, bộ máy hành chính mà còn tạo sức ép làm thay đổi các cách thức quản lý hành chính cũ, lạc hậu, nhiều hạn chế.
Nhưng muốn làm được như vậy thì chính người dân cũng cần có sự thay đổi, không chỉ về nếp nghĩ mà còn cả về hành vi, khẳng định mình là những “công dân điện tử”. Mỗi người dân cần chú ý tuân thủ những quy tắc, chỉ dẫn cũng như các khuyến nghị từ chương trình cải cách hay cụ thể hơn là các quy trình thực hiện thủ tục hành chính công.