Vào ngày 8/11/2017 truyền thông trong nước loan tin rộng khắp về dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về “ trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử” do Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng ban hành.
Theo đó, Dự thảo Thông tư liên tịch này gồm 3 chương với 12 điều, áp dụng đối với cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Những quy định của Thông tư liên tịch này được áp dụng trong các trường hợp lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; diễn biến phiên tòa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đáng chú ý tại điểm c, khoản 2, điều 5 trong chương II của dự thảo quy định về trình tự, thủ tục thực hiện có nêu rõ: “Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân”. Đặc biệt, trong trường hợp các thiết bị này bị hư hỏng, trục trặc thì cũng không được thực hiện việc lấy cung và lấy lời khai của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Đồng thời, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch, nguyên vẹn của dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Dự thảo cũng quy định những hành vi bị cấm như: “Tự ý chỉnh sửa, cắt ghép, giả mạo, hủy trái phép, làm sai lệch, làm hư hỏng làm thất lạc dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.Việc sao chép, phát tán, khai thác, sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh vì mục đích cá nhân; làm lộ, lọt thông tin vụ án hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, công dân sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu việc ghi âm, ghi hình được thực hiện liên tục trong quá trình lấy cung, ghi lời khai của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Việc bắt đầu lấy cung lúc mấy giờ, kết thúc khi nào, tạm dừng việc lấy cung khi nào… đều phải được ghi rõ vào trong biên bản.
»Có thể bạn quan tâm: dịch vụ luật sư bào chữa tại tòa
Từ đây, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Hãng Luật TGS LawFirm) – chuyên viên tư vấn pháp luật hình sự đã đưa ra quan điểm của mình về quy định của dự thảo này như sau:
Như chúng ta đã biết, trước nay trong một số vụ án có dấu hiệu tội phạm có tổ chức, tội phạm thực hiện hành vi nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nghi phạm có dấu hiệu phản cung…cơ quan điều tra cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng khác đã thực hiện việc ghi âm, ghi hình để làm chứng cứ đấu tranh với người có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình khi chưa được luật hóa này mới dừng lại ở việc củng cố chứng cứ của người có hành vi phạm tội để phục vụ việc xét xử trước tòa. Với quy định tại dự thảo thông tư liên tịch về quá trình ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử này có những ưu điểm vượt trội nhằm minh bạch trong tố tụng hình sự :
Thứ nhất: việc quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình trong hỏi cung bị can đang bị tạm giam và lấy lời khai của người đại diện pháp luật của pháp nhân là quy định góp phần bảo đảm, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, phù hợp với tinh thần Hiến định, thể hiện quyền dân chủ ở Việt Nam được mở rộng, đưa nền pháp luật Việt Nam hội nhập nền tư pháp quốc tế.
Thứ hai: như dự thảo đã quy định rõ tại Khoản 2 điều 7 “sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân để đánh giá chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm. Kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai, bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra”. Như vậy, việc quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình trong hỏi cung bị can đang bị tạm giam và lấy lời khai của người đại diện pháp luật của pháp nhân còn giúp tăng cường giám sát hoạt động tố tụng tư pháp, buộc các cơ quan tư pháp phải thận trọng, khách quan,trung thực không lạm quyền của những người tiến hành tố tụng tránh những trường hợp ép cung, nhục hình, là nguyên nhân xảy ra tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự.
Thứ ba: các cuộc hỏi cung được ghi âm, ghi hình có âm thanh không những là một hoạt động điều tra mà còn là một trong các giải pháp hiệu quả để tránh trường hợp bị can phản cung, chối tội, thay đổi lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, là chứng cứ của vụ án, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh hành vi phạm tội, xác định sự thật khách quan của vụ án, góp phần nâng cao trách nhiệm tranh tụng tại phiên tòa sau này. Còn về phía các luật sư thì tài liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh sẽ là bằng chứng để tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo. Hơn nữa, việc ghi âm, ghi hình có âm thanh còn mang lại hiệu quả là để cho người tiến hành tố tụng không bị vu cáo trong quá trình hỏi cung, là cơ sở để người có thẩm quyền ra các quyết định điều tra, mở rộng vụ án trong những vụ án phức tạp, có nhiều người có hành vi phạm tội nhưng các bị can không nhận tội, đổ lỗi cho nhau, bảo đảm tính khách quan của vụ án.
Thứ tư: giúp người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, đưa hoạt động lấy lời khai được công khai, để các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giám sát hoạt động tố tụng khách quan, minh bạch, thể hiện nền tố tụng tiến bộ, văn minh.
⇒Như vậy, với các ưu điểm trên dự thảo quy định việc hỏi cung bị can đang bị tạm giam và lấy lời khai của người đại diện pháp luật của pháp nhân phải được ghi âm, ghi hình là tiến bộ, là văn minh, là đúng, đây là tín hiệu đáng mừng trong cải cách tư pháp nước ta. Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 5 dư thảo có quy định “Căn cứ phương tiện, thiết bị kỹ thuật được trang cấp, lắp đặt, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Cấp trưởng, Cấp phó của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân”, theo tôi đây là một hạn chế của dự thảo cần cơ quan ban hành dự thảo xem xét lại. Bởi nó hạn chế quyền của bị can và người đại diện theo pháp luật của pháp nhân khi bị hỏi cung, làm sao có thể biết được chính xác họ được hỏi cung trong điều kiện tinh thần thoải mái, chắc chắn rằng không bị điều tra viên chèn ép về mặt tinh thần, làm hoảng loạn về mặt tinh thần để khai theo ý của điều tra viên khi hình thức ghi âm, ghi hình do phía cơ quan này quyết định. Chính vì vậy, nên điều chỉnh thông tư theo hướng cân bằng giữa quyền của bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, tránh để một điều khoản mà thành bác bỏ hoàn toàn tính công minh đáng hoan nghênh của dự thảo thông tư này.
Mặt khác dự thảo quy định theo hướng mọi trường hợp lấy cung bị can đang bị tạm giam và lấy lời khai của người đại diện pháp luật của pháp nhân đều phải ghi âm, ghi hình không cần thiết và không bảo đảm tính khả thi do: Hoạt động tội phạm diễn ra trên thực tế rất đa dạng về quy mô, mức độ nghiêm trọng, tài liệu chứng cứ thu thập cũng như thái độ khai báo của đối tượng nghi can nên không cần thiết phải ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp. Chẳng hạn, những trường hợp phạm tội đơn giản, phạm tội quả tang và đối tượng đã nhận tội thì không cần phải ghi âm, ghi hình. Cơ quan điều tra đã góp ý vấn đề này nên cần cân nhắc. Trong điều kiện hiện nay, phải đầu tư kinh phí, ngân sách, biên chế cho hoạt động này và rất nhiều nội dung hoạt động này cần phải đặt ra cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trong thời gian vừa qua xảy ra việc bức cung, nhục hình chủ yếu do năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức của điều tra viên. Do vậy, để hạn chế tình trạng này, quan trọng vẫn là giáo dục phẩm chất đạo đức, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và không quá lệ thuộc vào ghi âm, ghi hình. nên ghi âm, ghi hình những vụ án có tổ chức, vụ án phức tạp, an ninh quốc gia rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, án không quả tang, án truy xét. Những nguyên nhân oan sai, nhục hình, bức cung hầu như ở những dạng này.
Chính vì vậy, quy định về ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là cần thiết, là văn minh, là tiến bộ. Tuy nhiên, xem xét lại “bắt buộc” trong “mọi trường hợp” là có phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay hay không?Từ đó chỉnh sửa, bổ sung, thay đổi hoàn chỉnh lại các điều khoản sao cho khả thi, công minh hơn để sớm hoàn thiện. Hơn nữa,song hành về vấn đề này nên đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ để quy định này sớm được đưa vào thực hiện trên thực tế.
Mọi vấn đề thắc mắc cần giải đáp liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 8698 _ Luật sư TGS Law sẽ hỗ trợ chi tiết
Mời đọc giả xem thêm thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và giải quyết án hình sự,..