Câu hỏi:
” Ông nội em mới qua đời và có viết di chúc, trong đó, ông có viết để lại mảnh đất cho em là 80m2 ngoài ra không viết gì khác. Vậy xin hỏi Luật sư, em phải làm những thủ tục gì để được sang tên sổ đỏ mảnh đất đó? “
Trả lời:
Với câu hỏi của bạn, công ty Luật TGS tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì trường hợp của bạn nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất. Do đó, để được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất 80m2 đó thì bạn phải làm thỉ tục khai nhận di sản tại phòng công chứng nơi có đất đai, bạn cần chuẩn bị hồ sơ để nộp, bao gồm:
– Giấy chứng tử của người để lại di sản
– Sơ yếu lý lịch của người được nhận di sản (bản sao công chứng)
– CMND/hộ chiếu của người được nhận di sản (bản sao công chứng)
– Di chúc
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế của người để lại di sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
Sau khi bạn nộp hồ sơ, nếu thấy đầy đủ giấy tờ Công chứng viên sẽ ra thông báo để niêm yết tại UBND xã, phường, thị trấn nơi người để lại di sản thường trú cuối cùng. Sau khi nhận lại bản niêm yết thừa kế có xác nhận của UBND phường, xã mà không có tranh chấp, khiếu kiện, Công chứng viên hẹn ngày lên ký kết văn bản khai nhận di sản. Sau đó, đến ngày hẹn người nhận thừa kế di sản mang toàn bộ bản chính các giấy tờ đã nộp trước đó đến phòng công chứng để ký kết văn bản khai nhận di sản thừa kế.
⇒ Như vậy, sau khi được công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế, bạn có quyền thực hiện thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền để chuyển quyền sử dụng đất. Vì theo thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi hiểu rằng trường hợp của bạn là không có tranh chấp, nếu như có tranh chấp thì phải giải quyết xong tranh chấp.
Hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
– Các giấy tờ về thừa kế như: Di chúc, Văn bản khai nhận di sản thừa kế (có công chứng nhà nước);
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của người để lại di sản;
– Bản sao Giấy khai sinh của người thừa kế của người chết làm cơ sở miễn nộp nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân).
– Giấy chứng tử;
– Tờ khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà đất.
Về thuế, lệ phí:
– Vì trong trường hợp này của bạn, bạn nhận di sản thừa kế từ ông nội, nên căn cứ theo quy định tại điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 về thu nhập được miễn thuế:
“4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau”.
⇒ Như vậy, bạn được miễn thuế thu nhận cá nhân.
– Về lệ phí trước bạ thì theo quy định tại Khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016 về lệ phí trước bạ như sau:
“10. Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
⇒ Như vậy, bạn được miễn lệ phí trước bạ.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật TGS về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến – Số điện thoại liên hệ 1900 8698 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.