Chào luật sư ! Tôi là Nga – một sinh viên của trường Sân khấu điện ảnh. Năm 2015, nhóm chúng tôi gồm 4 người ( Ngoài Nga còn có Huệ, Hùng, Nam) có quay 1 đoạn phim ngắn về đề tài sinh viên và rất may mắn, bộ phim được nhiều bạn trẻ yêu thích, được một nhà đầu tư muốn ký hợp đồng phân phối tác phẩm. Thực chất, khi quay bộ phim, toàn bộ vật chất, tiền đi lại, ăn uống và máy móc đều do bản thân tôi đầu tư, vì vậy nên khoản tiền thu được tôi lấy một nửa, còn 1 nửa chia đều cho 3 người kia. Tuy nhiên, 3 người còn lại bắt tôi phải chia đều số tiền cho cả 4, vì họ cho rằng cả 4 người đều là đồng tác giả của bộ phim. Xin luật sư tư vấn cho tôi làm như vậy có đúng quy định pháp luật không?
Ý kiến của luật sư :
Điểm e Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ quy định các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ quyền tác giả trong đó có “tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh)”. Điều 14 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định : Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ là những tác phẩm được hợp thành bằng hàng loạt hình ảnh liên tiếp tạo nên hiệu ứng chuyển động kèm theo hoặc không kèm theo âm thanh, được thể hiện trên một chất liệu nhất định và có thể phân phối, truyền đạt tới công chúng bằng các thiết bị kỹ thuật, công nghệ, bao gồm loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại hình tương tự khác. Như vậy, việc “Năm 2015, nhóm chúng tôi (gồm 4 người ) có quay 1 đoạn phim ngắn về đề tài sinh viên” thì bộ phim này là tác phẩm điện ảnh và được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Khoản 1 Điều 21 Luật sở hữu trí tuệ quy định quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu.“ Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận”.
Như vậy, theo tình huống trên cả 4 người đều tham gia vào việc quay đoạn phim tức là cả Hùng, Nam, Huệ, Nga cùng làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận. Tức là cả 4 người là đồng tác giả của phim ngắn này, được hưởng các quyền nhân thân thuộc quyền tác giả đối với phần sáng tạo của mình : Đặt tên cho tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Tuy nhiên, cũng theo tình huống “Thực chất, khi quay bộ phim, toàn bộ vật chất, tiền đi lại, ăn uống và máy móc đều do bản thân tôi đầu tư”. Theo khoản 2 Điều 21 “ Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này”.Như vậy, ở đây Nga vừa là một trong các đồng tác giả vừa là chủ sở hữu của bộ phim. Như vậy, Nga được hưởng tất cả quyền nhân thân và quyền tài sản đối với bộ phim trong đó có quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
Theo Khoản 3 Điều 21 : “ Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thỏa thuận với những người quy định tại khoản 1 Điều này”.Tức là, khi kí kết hợp đồng phân phối bộ phim với nhà đầu tư Nga có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thỏa thuận cho ba đồng tác giả còn lại. Như vậy, bạn có quyền hưởng toàn bộ số tiền thu lại từ việc phân phối bộ phim, nhưng phải trả thù lao cho 3 người còn lại. Việc “khoản tiền thu được tôi lấy một nửa, còn 1 nửa chia đều cho 3 người kia”, nếu số tiền mỗi người lớn hơn mức thù lao đáng nhẽ họ được hưởng, thì hoàn toàn hợp pháp. Ngược lại, nếu thù lao họ bỏ ra nhiều hơn số tiền bạn chi trả cho họ, thì bạn nên xem xét thỏa thuận một mức thù lao phù hợp.Như vậy, việc quan trong ở đây là thỏa thuận hoặc xác định mức thù lao hợp lý đối với công sức họ bỏ ra khi quay bộ phim.
Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS
Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…
Khúc Thị Thu – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế,... hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.
Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,....
Trần Mai Hương – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Thu là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...