Cuối ngày 20/11, trả lời với Báo PLVN lãnh đạo VKS Nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, nguyên nhân ban đầu chiếc Mercedes GLC 250 đâm liên hoàn có thể do tài xế chưa quen xe nên đã nhầm chân ga với chân phanh. Tuy nhiên, nguyên nhân này cơ quan chức năng vẫn phải làm rõ thêm.
Về phần nữ tài xế cầm lái chiếc xe Vũ Thị Hồng Thái sau khi làm việc với cơ quan chức năng đã khai nhận, trong lúc dừng đèn đỏ, do tâm lý không ổn định nên gây tai nạn.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư nêu quan điểm về sự việc này, vụ tai nạn có dấu hiệu hình sự hay không?
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Tại cơ quan điều tra, nữ tài xế khai thấy một số xe phía trước đang dừng đèn đỏ, bà Thái đã chuyển sang chân phanh. Do đi giày cao gót, bà đạp nhầm vào chân ga, sau đó hoảng loạn nên không xử lý kịp dẫn đến vụ tai nạn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những lời khai ban đầu của nữ tài xế, Cơ quan điều tra còn phải xem xét và đánh giá khách quan tất cả các tỉnh tiết và chứng cứ khác của vụ việc, thì mới có thể kết luận chính xác và đầy đủ nhất nguyên nhân của vụ tai nạn.
Nếu lời khai của nữ tài xế là chính xác thì nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn phần lớn là do lỗi của nữ tài xế này. Cụ thể: Đã vi phạm nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật giao thông đường bộ năm 2008, theo đó:“Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.”, cũng như lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ), vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ năm 2008.
Hậu quả của vụ tai nạn là nghiêm trọng, khiến 01 người chết và 03 người bị thương. Do đó, vụ việc đã có dấu hiệu của “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự. Theo đó, các dấu hiệu định tội của tội phạm này được quy định như sau:
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Làm chết người;
- b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.”
Tài xế Mercedes có thể đối diện mức án nào?
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Việc có khởi tố vụ án hình sự và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nữ tài xế hay không, cũng như loại và mức hình phạt cụ thể (nếu có) sẽ là như thế nào còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng, trên cơ sở xác định lỗi của nữ tài xế, kết quả giám định thiệt hại về tài sản, tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người bị thương. Còn theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự sẽ có thể xẩy ra những trường hợp như sau:
– Nếu tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người bị thương là từ 61% đến 121%, thì khung hình phạt áp dụng sẽ thuộc Khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự, với các loại và mức hình phạt quy định như sau: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Nếu tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người bị thương là từ 122% đến 200%, thì khung hình phạt được áp dụng sẽ thuộc Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự, với mức hình phạt là phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
– Nếu tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người bị thương là từ 201% trở lên, thì khung hình phạt được áp dụng sẽ thuộc Khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự, với mức hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Trong thời gian qua, đã có rất nhiều vụ việc do tài xế đạp nhầm chân phanh và chân ga, hoảng loạn, mất bình tĩnh, không xử lý được tình huống, gây ra những vụ tai nạn thương tâm, thậm chí là các vụ tai nạn liên hoàn, làm bị chết và bị thương nhiều người. Điều này cho thấy kỹ năng và tâm lý của nhiều tài xế, đặc biệt là các nữ tài xế còn kém, chưa thực sự đạt chuẩn. Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đổi mới chương trình đào tạo, cũng như sát hạch lái xe, để nâng cao kỹ năng và tâm lý vững vàng cho các tài xế, hạn chế các lỗi rất nguy hiểm này của các tài xế.
Và qua vụ tai nạn này, tất cả các tài xế, đặc biệt là các nữ tài xế cũng nên rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình như: Không nên đi giầy cao gót trong lúc lái xe, khi xảy ra bất kỳ tình huống nào thì cũng phải bình tĩnh, làm chủ được vô lăng thì mới có thể xử lý chính xác và phòng tránh được tai nạn.