Độc giả hỏi
Trước đây, bố mẹ tôi có một thửa đất được ghi nhận trong sổ địa chính của xã là 300 m2, Bố mẹ tôi có 5 (năm) người con trai, chỉ có vợ chồng anh cả ở trên mảnh đất đó với bố mẹ tôi, còn lại 4 anh em tôi đều đi công tác xa nhà và tự lập ở chỗ khác. Anh cả cũng đi công tác đến năm 2009 mới về ở cùng vợ con. Năm 1993 khi nhà nước có quyết định làm sổ đỏ đại trà. Chị dâu trưởng ở nhà đã tự chuyển thông tin đất đai sang tên chị dâu có xã chứng nhận tình trạng đất. Mặc dù không có bất kì giấy tờ tặng cho của bố mẹ tôi. Không có biên bản về sự đồng ý của anh em chúng tôi. Nhưng chị dâu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) là 200 m2 trong mảnh đất của bố mẹ tôi.
>> Tham khảo Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2018
Năm 2010 khi bố mẹ chúng tôi mất không có di chúc thừa kế. Nay anh em chúng tôi có ý định về xây nhà thờ khoảng 15 m2 trên diện tích tranh chấp đất mà vợ chồng anh cả đang ở. Nhưng vợ chồng anh cả không đồng ý và nói là 200m2 đó là thuộc quyền sở hữu của anh chị. Tôi xin có các câu hỏi nhờ luật sư tư vấn:
1-Chị dâu chúng tôi tự khai để làm sổ đỏ (GCNQSĐ) với diện tích 200m2 đó theo như trình bày ở trên thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó có hợp pháp hay không?
2- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có bị thu hồi không?
3-Bố mẹ chúng tôi đều đã mất từ năm 2010, không để lại di chúc thì diện tích đất đứng tên bố tôi trong sổ địa chính xã đươc chia như thế nào?
Xin cám ơn luật sư.
Trả lời về trường hợp tranh chấp đất của bạn như sau:
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó có hợp pháp không?
Theo những thông tin bạn cung cấp thì việc chị dâu bạn tự ý chuyển nhượng quyền sử đất và đi đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là Sai. Bởi:
Thứ nhất, căn cứ theo Khoản 29, Điều 3, Luật đất đai 2013 có giải thích như sau về khái niệm Hộ gia đình sử dụng đất:
“29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”
Do đó, bố mẹ bạn, 5 anh em nhà bạn và vợ con người anh cả được coi là hộ gia đình sử dụng đất bởi khi được nhà nước cấp đất, mọi người đã sinh sống trên đây và có quan hệ hôn nhân, huyết thống. Những người này sẽ có quyền sử dụng đất và có quyền quyết định vấn đề liên quan đến mảnh đất này.
Hơn hết, căn cứ theo Khoản 2, Điều 212, Bộ luật dân sự 2015, quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình
“2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.”
Dựa vào những điều luật trên chúng tôi xác định khi chị dâu bạn muốn chuyển quyền sử dụng đất sang tên chị ấy thì cần có sự thỏa thuận của những người trong gia đình. Cụ thể là cần có sự đồng ý của bố mẹ bạn và 5 anh em trong gia đình bạn.
Vì vậy, việc chị tự ý chuyển nhượng là trái với quy định của pháp luật. Bạn có thể gửi đơn lên UBND xã nơi có mảnh đất để được hòa giải, nếu hòa giải không thành thì sẽ đưa đơn lên Tòa án giải quyết (do gia đình bạn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên căn cứ theo Khoản 1, Điều 203, Luật đất đai 2013, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai).
Tuy nhiên, để việc giải quyết được đúng theo mong muốn của bạn, bạn cần chứng minh được:
– Việc chị dâu bạn tự ý chuyển nhượng mà chưa có sự đồng ý của bố mẹ bạn. Cụ thể, bạn yêu cầu chị dâu trình văn bản chuyển nhượng của bố mẹ; nếu chị dâu bảo bố mẹ chuyển nhượng bằng lời nói thì yêu cầu có người làm chứng.
2. Về vấn đề thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc tranh chấp đất trên
Sau khi đã khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp đất đai, Tòa án sẽ có kết luận rằng mảnh đất đó được cấp cho người sử dụng đất có đúng thẩm quyền hay không. Nếu không đúng thẩm quyền sẽ bị thu hồi theo Điểm d, Khoản 2, Điều 106, Luật đất đai 2013 quy định về việc đính chính, thu hồi giấy chứng nhận đã cấp như sau:
“ 2. Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:
….
d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai. …”
3. Chia thừa kế đất đai khi không có di chúc
Khi bố mẹ bạn chết không có di chúc, phần đất thuộc tài sản của bố mẹ sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
Cụ thể sẽ chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất, căn cứ theo Khoản 1, Điều 651, Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Do đó, 5 anh em bạn sẽ được chia đều mảnh đất đó theo quy định của pháp luật.
Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.8698