Căn cứ pháp lý: Mục 1, Chương V, Bộ luật Lao động và Chương 3 Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63, Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Đối thoại tại nơi làm việc là việc trao đổi trực tiếp giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc. Và được tiến hành định kỳ 03 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của một bên.

Quy định về đối thoại tại nơi làm việc
Nội dung đối thoại tại nơi làm việc bao gồm:
– Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
– Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.
– Điều kiện làm việc.
– Yêu cầu của cá nhân người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động.
– Yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động.
– Nội dung khác mà hai bên quan tâm.
Thành phần tham gia đối thoại tại nơi làm việc:
– Bên phía người sử dụng lao động là người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền hợp pháp và các thành viên đại diện cho bên người sử dụng lao động do người sử dụng lao động cử;
– Bên phía tập thể lao động là Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc đại diện Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các thành viên đại diện cho bên tập thể người lao động do hội nghị người lao động bầu.
Quy trình đối thoại tại nơi làm việc:
1. Chuẩn bị nội dung, thời gian, địa điểm và thành phần tham gia đối thoại:
+ Sau 60 ngày kể từ ngày kết thúc lần đối thoại trước liền kề, người sử dụng lao động và Chủ tịch Công đoàn cơ sở hoặc ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở sẽ cử người đại diện Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổng hợp nội dung và gửi nội dung yêu cầu đối thoại cho bên đối thoại;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung yêu cầu đối thoại, người sử dụng lao động và Chủ tịch Công đoàn cơ sở hoặc người đại diện Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc;
+ Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày hai bên thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, người sử dụng lao động ra quyết định bằng văn bản tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Quyết định tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc phải được gửi được đến Chủ tịch Công đoàn cơ sở hoặc đại diện Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở và các thành viên tham gia đối thoại ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tổ chức đối thoại;
+ Người sử dụng lao động và Chủ tịch Công đoàn cơ sở hoặc người đại diện Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở phân công các thành viên tham gia đối thoại của mỗi bên chuẩn bị nội dung, số liệu, tài liệu liên quan cho đối thoại.
2. Tổ chức đối thoại
Trong quá trình đối thoại, các thành viên tham gia đối thoại có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu, trao đổi, thảo luận dân chủ các nội dung đối thoại.
3. Kết thúc đối thoại
Người sử dụng lao động có trách nhiệm niêm yết công khai biên bản cuộc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc tại doanh nghiệp, phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất và đăng tải trên hệ thống truyền thanh, thông tin nội bộ hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
♦ Lưu ý:
– Hội nghị người lao động được tổ chức 12 tháng một lần tại doanh nghiệp có sử dụng từ 10 người lao động trở lên.
– Doanh nghiệp có dưới 100 lao động thì tổ chức hội nghị toàn thể người lao động.
– Doanh nghiệp có trên 100 người lao động thì tổ chức hội nghị đại biểu người lao động.
Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS
Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…
Khúc Thị Thu – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế,... hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.
Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,....
Trần Mai Hương – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Thu là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...