ASANZO được biết đến bấy lâu nay đó là “Thương hiệu chất lượng của người Việt”. Các sản phẩm của ASANZO được quảng bá sản xuất theo dây chuyền công nghệ Nhật Bản, là thương hiệu của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và do chính người Việt sở hữu, đã lấy được lòng tin và sự yêu mến của nhiều gia đình bởi mức giá bình dân.
Thương hiệu Asanzo – Ảnh minh họa
Nhưng sự thật liệu có phải là vậy? Khi mà thời gian gần đây Tập đoàn này đang dính vào vụ lùm xùm liên quan đến việc sử dụng linh kiện và sản phẩm nhập từ Trung Quốc để sản xuất lắp ráp cho các sản phẩm của mình, không đúng với khi quảng bá sản phẩm. Việc này gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều từ người tiêu dùng. Vậy Hành vi này của ASANZO theo góc nhìn của pháp luật sẽ như thế nào? Dưới đây là toàn bộ ý kiến của Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS về một số vấn đề liên quan vụ việc này cụ thể:
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS
Thứ nhất: Hành vi của ASANZO Theo luật sư công ty luật TGS có thể cấu thành tôi phạm
Tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ có quy định: “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa” là hàng giả. Do đó, nếu Asanzo không có hoạt động sản xuất mà chỉ là lắp ráp các bộ phận, thậm chí nhập khẩu nguyên sản phẩm từ Trung Quốc nhưng lại được gắn mác “xuất xứ Việt Nam” như báo Tuổi trẻ đã đăng tải là đúng, thì đây là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP thì tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm, đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa có thể bị xử phạt thấp nhất từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng và cao nhất là từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000, còn đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt với mức thấp nhất là từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và cao nhất là từ 35.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là: Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Và biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả; Buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì người vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau: Tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 03 tháng đến 06 tháng. Và các biện pháp khăc phục hậu quả là: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả; Buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này khi thuộc một trong các trường hợp như sau: (1) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc tại một trong các hành vi được quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; (3) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Cũng theo quy định này thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm cho đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân thương mại mà phạm tội này thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng, cho đến cao nhất là 9.000.000.000 đồng, pháp nhân vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Bên cạnh đó, Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Nếu những vi phạm của Asanzo được chứng minh là đúng thì hành vi này còn vi phạm các quy định của Bộ luật dân sự và Luật bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể, Điểm a Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đã có quy định cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
Thứ 2: Nếu Asanzo không vi phạm luật thì cũng căn cứ vào luật gì để xử lý được về những hành vi nêu trên hay không?
Áp dụng các quy định điều chỉnh trong hoạt động kinh doanh như Luật doanh nghiệp, Luật sở hữu trí tuệ, Luật xử lý vi phạm hành chính để xử phạt.
Thứ 3: Các siêu thị, đại lý nếu biết hành vi này mà vẫn tiếp tay thì có chịu trách nhiệm gì không?
Trong trường hợp mà các siêu thị, đại lý nếu biết hành vi này mà vẫn tiếp tay thì cũng sẽ phải chịu trách nhiệm như đối với ASANZO với vai trò là đồng phạm theo quy định tại Điều 17 BLHS 2015 sửa đổi năm 2017.
Thứ 4: Người tiêu dùng có thể kiện ASANZO vì hành vi dối trá này không?
Điều 608 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.”; Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng quy định người tiêu dùng có quyền: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.”
Vì vậy, những người tiêu dùng bị thiệt hại có quyền khởi kiện, yêu cầu Asanzo bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật bảo vệ người tiêu dùng và Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành.
Với đặc điểm địa lý của Việt Nam là rất gần với Trung Quốc (một trong các công xưởng của thế giới, với giá thành sản xuất thấp) thì theo tôi những hành vi vi phạm như của Asanzo (nếu có) cũng phải là cá biệt (ví dụ như vụ Khaisilk trước đây). Việc nhập hàng hóa từ Trung Quốc, rồi gắn mác hàng Việt Nam không chỉ là hành vi lừa dối người tiêu dùng mà còn làm mất uy tín của hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, giúp cho hàng hóa Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, cũng như làm hạn chế năng lực sản xuất và cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, về lâu dài sẽ mang lại những hệ lụy rất tiêu cực cho nền kinh tế của chúng ta
Do đó, các cơ quan chức năng cần phải nghiêm tục xem xét và có những giải pháp để bịt các lỗ hổng của pháp luật và công tác quản lý, kịp thời vào cuộc xác minh và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, hạn chế và loại bỏ những hiện tượng tiêu cực này, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như giữ gìn uy tín của hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam.