Trong tập 71 của bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” chiếu ngày 23/7/2019 vừa qua, cuối cùng Thư và Vũ cũng đi đến quyết định ly hôn trong sự tiếc nuối, hối hận của Vũ. Trong khi đó, Thư không quá nhiều đắn đo khi nói chuyện trước mặt Vũ về số tiền 3 tỷ đồng mà hợp đồng hôn nhân đã thỏa thuận. Trong hợp đồng, Thư sẽ được nhận số tiền 3 tỷ đồng sau 2 năm kết hôn theo danh nghĩa với Vũ. Dưới cái nhìn của người học luật và quan tâm đến những vấn đề luật cùng xem xét xem giá trị hợp đồng hôn nhân giữa Vũ và Thư? Và liệu rằng Vũ có cần đưa 3 tỷ đồng cho Thư như trong hợp đồng đã đề cập hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu Thư khởi kiện ra Tòa đòi lại 3 tỷ? Chúng ta cùng tìm hiểu thông qua bài viết này.
1. Hợp đồng Hôn nhân 3 tỷ – Giá trị pháp lý?
Có thể hiểu rằng hợp đồng hôn nhân là một loại của hợp đồng dân sự. Căn cứ vào Điều 385 Bộ luật dân sự thì “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trên thực tế, Bộ luật dân sự đề cao nguyên tắc và sự thỏa thuận các bên miễn sao đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.”
Tuy nhiên, một hợp đồng được coi là có giá trị pháp lý khi nó đảm bảo khi giao kết hợp đồng không thuộc vào các trường giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 123 đến Điều 129 của Bộ luật dân sự . Có các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo;
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn;
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
Xét theo từng trường hợp của hợp đồng vô hiệu, Thư và Vũ là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự đảm bảo điều kiện về chủ thể giao kết hợp đồng. Mặt khác hợp đồng này được xây dựng, thực hiện dựa trên sự tự thỏa thuận và thống nhất với nhau. Ngoài ra, giao dịch được kí kết không nhằm mục đích che dấu cho một giao dịch dân sự khác. Nên nếu hợp đồng này vô hiệu chỉ có thể vô hiệu vì vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
Liệu rằng hợp đồng hôn nhân giữa Thư và Vũ có vi phạm điều cấm của pháp luật và trái với đạo đức hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình quy định về các hành vi bị cấm trong Hôn nhân như sau:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Thư và Vũ đăng kí kết hôn trên cơ sở tự nguyện theo đúng theo quy định của pháp luật tuy nhiên hai bên lại thống nhất việc kết hôn chỉ nhằm mục đích che mắt hai bên gia đình, hai bên tồn tại những điều khoản, những yêu cầu. Hai bên quyết thỏa thuận sẽ sống chung với nhau 2 năm rồi ly hôn với giá trị hợp đồng là 3 tỷ mà Vũ phải đưa cho Thư sau khi ly hôn.
Căn cứ theo vào khoản 11, 12 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 đã nêu rõ:
Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
Yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ.
Như vậy, việc kết hôn của Thư và Vũ không nhằm mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc cùng với đó, Thư đã đòi hỏi 3 tỷ đồng coi đó chính là điều kiện để kết hôn với Vũ, đây chính là hành vi nhằm cản trở sự tự nguyện kết hôn giữa nam và nữ. Do đó, hôn nhân giữa Thư và Vũ là kết hôn giả tạo và sử dụng yêu sách của cải trong kết hôn đã vi phạm điều cấm của luật, trái với đạo đức xã hội. Khẳng định hợp đồng giữa Vũ và Thư là vô hiệu và nếu một trong hai bên kiện ra tòa, toà án sẽ tuyên hợp đồng vô hiệu và Thư phải trả lại cho Vũ 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Tòa án có thể xem xét việc hủy kết hôn trái pháp luật.
Tóm lại, hợp đồng hôn nhân 3 tỷ giữa Thư và Vũ không có giá trị pháp lý.
2. Cái kết cho hợp đồng hôn nhân 3 tỷ?
Thư và Vũ thuận tình ly hôn và trước Tòa án cả hai coi như không có sự tồn tại một cái hợp đồng hôn nhân nào đó, Vũ tự nguyện đưa cho Thư 2,7 tỷ còn lại thì chúng ta sẽ không có gì để nói nhiều. Tuy nhiên, nếu giả sử rằng Thư và Vũ không thuận tình ly hôn, Vũ không muốn trả cho Thư 2,7 tỷ và bị khởi kiện ra tòa án, thì cái kết cho hợp đồng này lại là một vấn đề đáng để chúng ta nói tới?
Như chúng ta đã đề cập ở trên, Hợp đồng hôn nhân giữa Thư và Vũ là vô hiệu. Trong trường hợp một trong hai bên khởi kiện ra tòa án, tòa án sẽ tuyên Hợp đồng vô hiệu và buộc các bên phải trả lại cho nhau những thứ ban đầu. Ngoài ra, tòa án hoàn toàn có thể xem xét việc kết hôn trái pháp luật giữa Thư và Vũ. Ngoài ra, cả hai còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 28 Nghị định 110/2013/NĐ-CP:
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài;
b) Lợi dụng việc kết hôn để hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước hoặc để thực hiện các mục đích trục lợi khác.
Nhìn lại từ đầu cuộc gặp gỡ giữa Thư và Vũ, ta có thể nhận thấy rằng bản thân Thư là người trực tiếp đưa ra lời đề nghị 3 tỷ đối với Vũ. Bản thân cô ngay từ đầu tiếp cận Vũ vì vật chất. Dù rất thương Thư, nhưng ta lại không có tình tiết rõ ràng nào cho thấy Thư lấy Vũ không nhằm mục đích tiền bạc.
Với sự phát triển không ngừng của xã hội, sự thay đổi chóng mạch trong cách suy nghĩ của các bạn trẻ. Liệu có bao nhiêu hợp đồng hôn nhân Vũ Thư ngoài đời thực? Cái giá của hợp đồng không còn là 3 tỷ, không còn là tiền bạc mà thay vào đó là địa vị, là công danh? Điều này đang còn là một dấu hỏi lớn cho xã hội cũng như những nhà làm luật. Chúng ta cần phải làm gì để hạn chế thấp nhất sự tồn tại của những hợp đồng hôn nhân?
Chúng tôi hi vọng, với bài viết này có thể cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết nhất định về kiến thức pháp lý. Chúng tôi mong nhận được sự trao đổi, chia sẻ từ phía bạn đọc.