Truy nã là việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định nhằm truy tìm các đối tượng phạm tội bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu sau khi đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt và không có kết quả. Việc truy nã phải nhanh chóng, kịp thời và phải đúng người, đúng hành vi phạm tội, bảo đảm tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 2, Thông tư liên tịch (TTLT) 13/2012/BCA-BTP-VKSNDTC/-TANDTC, các đối tượng bị truy nã bao gồm:
- Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.
- Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn.
- Người bị kết án phạt tù bỏ trốn.
- Người bị kết án tử hình bỏ trốn.
- Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.
Khi tiến hành truy nã, cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định truy nã. Trong từng giai đoạn tố tụng sẽ có trình tự ra quyết định truy nã khác nhau, cụ thể:
– Trong giai đoạn điều tra, nếu xác định có bị can bỏ trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án phải ra quyết định truy nã và phối hợp với lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm để tổ chức truy bắt.
– Trong giai đoạn truy tố, nếu xác định có bị can bỏ trốn thì Viện kiểm sát đang thụ lý hồ sơ có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra đã thụ lý vụ án ra quyết định truy nã bị can.
– Trong giai đoạn xét xử:
Sau khi đã được giao bản cáo trạng cũng như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu bị can bỏ trốn thì Tòa án yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can và vẫn tiến hành các công việc theo thủ tục chung.
Trường hợp đã mở phiên tòa mà bị cáo bỏ trốn, thì Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
– Trong giai đoạn thi hành án
+ Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại; người đã hết thời hạn được hoãn chấp hành án phạt tù; người đã hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn: Tòa án đã ra quyết định thi hành án có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù được tại ngoại ra quyết định truy nã.
+ Đối với người đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam; Người bị kết án tử hình trong khi chờ quyết định thi hành án mà trốn trại tạm giam bỏ trốn thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam tổ chức ngay lực lượng truy bắt. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện người đang chấp hành án phạt tù bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh (nếu trốn trại tạm giam Công an cấp tỉnh) ra quyết định truy nã và phối hợp tổ chức truy bắt.
+ Đối với người đang chấp hành án phạt tù tại nhà tạm giữ bỏ trốn, thì Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức ngay lực lượng truy bắt. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện người đang chấp hành án phạt tù bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có văn bản đề nghị Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra quyết định truy nã.
+ Đối với người bị kết án trục xuất, người chấp hành án trục xuất bỏ trốn thì sau khi nhận được thông báo của cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú chỉ định, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải tổ chức truy bắt ngay; trường hợp truy bắt không có kết quả thì trong thời hạn 07 ngày phải ra quyết định truy nã
Tóm lại, mặc dù trong mỗi giai đoạn tố tụng có trình tự khác nhau để ra quyết định truy nã nhưng thẩm quyền ra quyết định truy nã vẫn thuộc về cơ quan Công an, gồm: Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh và Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an.
Có thể nói, quyết định truy nã là vô thời hạn. Quyết định truy nã được ban hành với mục đích là truy tìm và bắt giữ được đối tượng truy nã, vì vậy chừng nào cơ quan chức năng chưa bắt giữ được đối tượng thì lúc đó quyết định truy nã vẫn còn hiệu lực. Quyết định truy nã chỉ hết hiệu lực khi cơ quan chức năng đã bắt được đối tượng cần truy nã và ra quyết định đình nã.
Một số người cho rằng sau khi thực hiện hành vi phạm tội hoặc bị kết án cứ bỏ trốn đợi đến lúc hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hết thời hiệu thi hành bản án là không bị xử lý hình sự, không phải chấp hành án nữa. Đây là một nhận thức sai lầm, bởi lẽ:
Căn cứ khoản 3 Điều 27 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS 2015): Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu TNHS được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, nếu có quyết định truy nã thì thời hiệu truy cứu TNHS sẽ không được tính tiếp. Thời hiệu này chỉ được tính lại khi đối tượng bị truy nã ra đầu thú hoặc bị bắt. Có thể hiểu, thời hiệu truy cứu TNHS chỉ áp dụng với những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mà không có ý định trốn tránh nhưng vì lý do nào đó lại không bị xử lý hình sự (chiến tranh, thay đổi chính quyền,…). Để dễ hiểu hơn, chúng ta cùng xem xét ví dụ sau: Ngày 01/01/2019, A dùng gậy đánh B gây thương tích 25%. Như vậy, A đã phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 134 BLHS 2015. Đây là tội phạm nghiêm trọng, có thời hiệu truy cứu TNHS là 10 năm. Do sợ đi tù, nghĩ rằng nếu mình trốn đi 10 năm sau đó trở về là không bị đi tù nữa nên A đã trốn sang nước ngoài. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã với A. Ngày 02/01/2029 (10 năm sau), A trở về Việt Nam, cứ nghĩ mình không phạm tội nên đi lại tự do và bị cơ quan Công an phát hiện. Ngay lập tức A bị bắt, ngày 03/01/2029 cơ quan Công an ra quyết định đình nã đối với A và tiếp tục điều tra vụ án. Như vậy, dù A có trốn đi 10 năm thì khi trở về vẫn là tội phạm và bị bắt. Khoảng thời gian 10 năm A bỏ trốn không được tính vào thời hiệu truy cứu TNHS, thực tế thời hiệu này đối với A kể từ khi có quyết định truy nã đã không được tính nữa.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra đối với thời hiệu thi hành bản án. Thời hiệu này sẽ bị tạm dừng và chỉ được tính lại kể từ khi người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
Từ những phân tích trên, có thể thấy việc bỏ trốn sau khi thực hiện hành vi phạm tội không giúp cho người phạm tội thoát khỏi việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy sau khi phạm tội, người phạm tội nên ra đầu thú, tự thú, thành khẩn khai báo để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Việc bỏ trốn không đem lại một cuộc sống tốt hơn mà chỉ mở ra những năm tháng tăm tối khi luôn phải trong tình trạng sợ hãi, lẩn trốn sự truy lùng của cơ quan chức năng. Biết sai, sửa sai đó mới là con đường đúng đắn nên lựa chọn để trở thành một công dân tốt, mang lại lợi ích cho chính bản thân, gia đình và xã hội.