Tình huống
Ông A (sinh viên) và ông B (giáo viên tiểu học) đã lập gia đình, 2 người quên biết đã lâu.
Chiều ngày 12/12/2018, ông B mượn xe của ông A đi có tí việc, dựa vào sự tin tưởng nên ông A cho ông B mượn xe cùng với các giấy tờ liên quan đến xe. Đến sáng 13/12/2018, không thấy ông B trả xe nên ông A gọi điện thì không trả lời, nhắn tin thì B nhắn lại là đã đưa xe của ông A đi cầm cố tại cửa hàng cầm đồ của ông C, số nhà 22, Đ. Trần Đăng Ninh, TP. P với giá 3.000.000. Hiện tại ông B cao chạy xa bay không thể liên lạc được.
Sau đó ông A đi liền đến hiệu cầm đồ thì đúng như ông B nói, xe mình đang đc cầm cố tại cửa hàng ông C. Tại đây ông A trình bầy sự việc trên cho ông C. Ông C trả lời: nếu muốn chuộc lại xe thì đưa cho ông C 3.600.000 tổng cả lãi suất. Ông A không đồng ý và đã lên CA TP. P nơi quản lý cửa hàng cầm đồ đó trình báo và yêu cầu lấy lại xe máy. Bên cơ qua CA trả lời: Muốn lấy lại xe máy thì phải đợi CA bắt được Anh B rồi sẽ trả lại xe cho ông A. Ông A gọi cho người nhà ông B thì họ trả lời rằng: Ông B làm thì ông B tự chịu chứ vợ, con không biết gì cả (không chịu trách nhiệm).
Biết rằng: ông B có 1 vợ và 2 con nhỏ. Tài sản chung vợ, chồng có: 1 nhà, 1 xe máy, 1 con bò, đất ở nông thôn.
CÂU HỎI
B phạm tội gì và xử lý như thế nào? Cơ sở pháp lý?
Biết rằng người đưa xe đến cầm cố không phải chủ sở hữu xe và không có quyền định đoạt đối với chiếc xe đó mà Ông C (Chủ cửa hàng) vẫn nhận cầm cố với số tiền là 3 triệu đồng có vi phạm pháp luật không? Nếu có, căn cứ vào đâu và ông C sẽ bị xử lý như thế nào?
Việc CA trả lời: Đợi sau khi bắt được B mới trả lại xe cho A có đúng với quy định pháp luật hay không? Cơ sở pháp lý?
Tư vấn cho A về cách giải quyết hiệu quả nhất. (Bạn là Ls của A).
Giả sử: 20/12/2015 A tự chuộc lại chiếc xe máy với giá 3.600.000 mà vẫn chưa bắt được B thì A có thể kiện ai để hoàn trả lại 3.600.000 cho mình hay A tự chịu?
Chào bạn! Với câu hỏi của bạn Luật sư TGS LAW xin đưa ra nội dung tư vấn và trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Câu 1: B phạm tội gì và xử lý như thế nào? Cơ sở pháp lý?
Theo thông tin mà bạn cung cấp B sẽ phạm vào Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bởi vì A và B là hai người đã quen biết nhau từ lâu, nếu ông A không tin tưởng ông B thì ông A sẽ không cho ông B mượn. Vì A tin tưởng B, nên A mới cho B mượn xe của A cùng với các giấy tờ xe. Tuy nhiên vì sự tin tưởng đó của ông A mà ông B lạm dụng sự tín nhiệm đó để đưa xe của ông A đi cầm cố tại cửa hàng của ông C.
Về mặt khách quan, hành vi của B đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bởi vì, ông B đã chuyển giao tài sản của ông A sang cho ông C xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp là hình thức vay, mượn, của ông A sau đó đưa đi cầm cố, sau bỏ trốn. B đã ý thức được rằng sẽ không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản là ông A. Như vậy, ông B đã lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của ông A là chiếc xe máy.
Cơ sở pháp lý:
Căn cứ theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
…
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”.
Tùy thuộc vào chiếc xe của bạn có giá trị lớn hay nhỏ mà áp dụng mức hình phạt phù hợp theo quy định của pháp luật.
Câu 2: Biết rằng người đưa xe đến cầm cố không phải chủ sở hữu xe và ko có quyền định đoạt đối với chiếc xe đó mà Ông C (Chủ cửa hàng) vẫn nhận cầm cố với số tiền là 3 triệu đồng có vi phạm pháp luật ko? Nếu có, căn cứ vào đâu và ông C sẽ bị xử lý như thế nào?
Biết rằng người đưa xe đến cầm cố không phải chủ sở hữu xe và không có quyền định đoạt đối với chiếc xe đó mà Ông C (Chủ cửa hàng) vẫn nhận cầm cố với số tiền là 3 triệu đồng là vi phạm pháp luật. Bởi vì: Ông C biết rõ là chiếc xe do ông B phạm tội mà có nhưng vẫn nhận cầm cố.
Cơ sở pháp lý:
Căn cứ theo Điều 323 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về: Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
…
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
…
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, ông C còn phạm thêm tội Chiếm giữ trái phép tài sản, đó là khi ông A đòi lại chiếc xe của mình, ông C cố tình không trả lại cho chủ sở hữu là ông A.
Căn cứ theo Điều 176 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về: Tội chiếm giữ trái phép tài sản
Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, như là: di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
>>> Click xem thêm: Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Câu 3: Việc CA trả lời: Đợi sau khi bắt đc B mới trả lại xe cho A có đúng với quy định pháp luật hay không? Cơ sở pháp lý?
Việc công an trả lời, đợi sau khi bắt được ông B mới trả lại xe cho ông A là không đúng với quy định pháp luật. Bởi vì, đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Trong trường hợp này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản là vật, tiền đã bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Như vậy, ông A đã có đủ giấy tờ xe mang tên ông A, Vì vậy, Công an có đủ căn cứ và yêu cầu ông C trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là ông A.
Cơ sở pháp lý:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về: Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi
“1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.”
Về nguyên tắc
Cơ quan điều tra phải có trách nhiệm bảo về quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Căn cứ theo Điều 4 thông tư liên tịch số: 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, ngày 29 tháng 12 năm 2017.
Điều 4. Nguyên tắc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và quy định tại Thông tư liên tịch này.
…
Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, người có thẩm quyền phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình. Người làm trái pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố về việc giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa.
Như vậy, việc trả lời như vậy của Công an là sai và vi phạm nghiêm trọng về tố tụng theo khoản 1 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
“1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”.
Câu 4: Tư vấn cho A về cách giải quyết hiệu quả nhất. (Bạn là Ls của A).
Nếu tôi là Luật sư bảo vệ cho ông A. Tôi sẽ tư vấn cho ông A làm đơn tố cáo ông B và ông C đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Đề nghị Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố ông B và ông C về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 và ông C về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Đề nghị Cơ quan điều tra truy tố ông B về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 và ông C về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Yêu cầu bồi thường thiệt hại về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng theo Điều 589 Bộ luật dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
“Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Thiệt hại khác do luật quy định.”
Trong trường hợp này, nếu không gây hư hỏng chiếc xe thì phải bồi thường một khoản tiền hợp lý cho những ngày người đó lấy xe làm hạn chế quyền sử dụng của ông A. Số tiền bồi thường có thể căn cứ trên thiệt hại thực tế phát sinh và do sự thỏa thuận giữa hai bên.
Câu 5: Giả sử: 20/12/2015 A tự chuộc lại chiếc xe máy với giá 3.600.000 mà vẫn chưa bắt được B thì A có thể kiện ai để hoàn trả lại 3.600.000 cho mình hay A tự chịu?
Nếu giả sử ngày 20/12/2015 A tự chuộc lại chiếc xe máy với giá 3.600.000 mà vẫn chưa bắt được B thì A có thể khởi kiện ông B và ông C ra Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để yêu cầu gia đình ông B chịu trách nhiệm trả lại số tiền 3.600.000 đồng cho ông A và yêu cầu ông C bồi thường thiệt hại xảy ra do không trả lại tài sản cho ông A.
Theo quy định tại Điều 37, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng:
“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây: Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan”.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định tại Điều 27, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về trách nhiệm liên đới của vợ chồng:
“1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này”.
Gia đình ông B không phải chịu trách nhiệm
Khi hôn nhân giữa ông B và vợ ông B bị chấm dứt theo Điều 57 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về: Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hô
1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư – Công ty Luật TGS. Mong rằng phần nào đó sẽ giải đáp được vướng mắc của bạn. Để được hỗ trợ xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn Pháp luật hình sự 1900.8698 để được giải đáp. “Mọi vấn đề” của bạn sẽ được giải đáp nhanh chóng và hiệu quả nhất. Để biết thêm thông tin mời bạn truy cập Website: https://congtyluattgs.vn/