Câu hỏi
Chào luật sư, tôi là Nguyễn Văn L, Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn cho tôi, cụ thể sự việc như sau:
Cháu M là con trai hàng xóm nhà tôi, năm nay cháu 17 tuổi. Do M nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt của những hộ trong thôn (mỗi lần trộm cắp giá trị tài sản thường từ 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng) đã được gia đình, nhân dân trong thôn và Trưởng thôn giáo dục, răn đe nhưng không chịu sửa chữa nên trưởng thôn đã đề nghị lên xã. Trưởng Công an xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với M. Vậy, cho tôi hỏi luật sư quyết định của Trưởng Công an xã trong trường hợp này có đúng quy định của pháp luật không? Cháu M có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản không?
Dưới 18 tuổi trộm cắp vặt nhiều lần có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Luật sư TGS trả lời
Theo như bạn trình bày ở trên thì năm nay cháu M đã 17 tuổi. Do vậy theo quy định của pháp luật, nếu M không bị mất hoặc bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự thì Cháu M sẽ phải chịu mọi trách nhiệm về hành vi của mình, cụ thể điều luật quy định như sau:
Khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
Như vậy, Cháu M do có hành vi thường xuyên trộm cắp vặt, với giá trị tài sản trộm cắp thường từ 200 nghìn đồng đến 1.000.000 đồng.
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật thì theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:
- Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”
Như vậy, Nếu Cháu M chỉ trộm một lần thôi thì theo quy định sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều luật này.
Tuy nhiên, trường hợp của bạn nói Cháu M đã nhiều lần trộm cắp và mỗi lần trộm cắp là 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Do vậy, nếu xác định được tổng số tiền từ khi bắt đầu trộm đến thời điểm bị phát hiện thì Cháu M hoàn toàn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu mức tiền vượt quá 2.000.000 đồng trở lên. Tùy thuộc vào mức độ thực hiện hành vi phạm tội mà áp dụng mức hình phạt phù hợp với quy định của pháp Luật.
Ngoài ra, Theo quy định tại khoản 5 Phần II Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 về việc hướng dẫn một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” quy định:
“Trong những lần phạm tội mà mỗi lần phạm tội dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình Sự (dưới 2 triệu đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích…) đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:
- Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
- Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính.
- Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới mức 2 triệu đồng.”
Do bạn không nói rõ tổng giá trị tài sản các lần mà Cháu M trộm cắp là bao nhiêu? Nếu tổng giá trị tài sản các lần mà Cháu M trộm cắp bằng hoặc trên 2.000.000 đồng trở lên và các các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian hoặc việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính hoặc với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới mức 2 triệu đồng thì Cháu M có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Trộm vặt có bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Quy định của pháp Luật về xử lý Vi phạm hành chính.
Căn cứ theo Điều 89, Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn như sau:
“Điều 89. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 của Luật này để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng.
- Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng.”
“Điều 90. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định.
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.”.
Như vây, Cháu M do đã đủ 17 tuổi nên có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã nếu 2 lần trở lên trong 6 tháng có hành vi trộm cắp như quy định tại Khoản 3 Điều 90 trên. Nếu trong vòng 6 tháng Cháu M tiếp tục vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Về thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 105 Luật sử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như sau:
“1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.”
Vì vậy, theo quy định tại khoản 1 của điều này thì Trưởng Công an xã không có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với Cháu M, Quyết định này là sai về thẩm quyền ban hành quyết định, do vậy việc Cháu M phải chấp hành quyết định này là không hợp lý. Bởi vì thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Cho nên quyết định của Trưởng Công an xã trong trường hợp này là sai về thẩm quyền.
Nếu có gì thắc mắc hay chưa hiểu rõ về luật. Bạn hãy vui lòng liên hệ Tổng đài 1900.8698 để được các luật sư Tgs tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 Hoặc truy cập Website: Chuyen an hinh su