Ngày 18/12 vừa qua, Đài Truyền Hình Hà Nội (H1) có buổi phỏng vấn với Luật sư Hãng Luật TGS Law Firm về “Quan điểm luật sư về việc cấm kinh doanh, sử dụng các loại hình bóng cười, cỏ mỹ ,… như thế nào?” . Bàn luận về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thế Hùng – Công ty Luật TNHH TGS (Thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) có trả lời một số câu hỏi của phóng viên H1 nội dung cụ thể như sau:
1. Pháp luật hiện hành quy định xử lý hành vi kinh doanh, sử dụng bóng cười, shisha, cỏ mỹ… như thế nào?
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Thế Hùng – Thuộc Công ty Luật TNHH TGS:
a) Đối với bóng cười:
Khí N20 (bơm vào bóng) được dùng trong y tế với mục đích giảm đau…, không phải là chất ma túy hoặc tiền chất ma túy nên không nằm trong công ước về kiểm soát các chất ma túy. Tại Việt Nam, pháp luật hiện hành không cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bóng cười vì đây không nằm trong Danh mục hàng hóa bị cấm. Tuy nhiên, khí N2O có trong bóng cười lại nằm trong Danh mục hàng hóa hóa chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định Phụ lục 2 Nghị định 113/2017/NĐ-CP.
Theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, khí N20 thuộc danh mục hóa chất nguy hiểm mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất phải xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Tại Điều 5 Nghị định 115/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 163/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất quy định, hành vi vi phạm quy định về an toàn trong sản xuất, kinh doanh và cất giữ hóa chất nguy hiểm bị phạt tiền từ 1 – 20 triệu đồng, tùy theo tính chất vi phạm.
b) Đối với shisha
Shisha không phải là ma túy hay tiền chất mà thực chất là một loại thuốc lào tẩm hương liệu có xuất xứ từ các nước Ả Rập, chủ yếu được nhập lậu về Việt Nam. Căn cứ Nghị định số 115/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung nghị định 163/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất, Nghị định 106/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá thì hiện nay Việt Nam chưa xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với “shisha”. Do vậy, “shisha” chưa có cơ sở để phân tích, kiểm nghiệm, ghi nhãn và thực hiện các thủ tục công bố chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Khi nhập khẩu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất kinh doanh thuốc lá và các quy định khác có liên quan.
Tuy nhiên, Shisha bị nhiều bạn trẻ sử biến tướng sử dụng bằng cách tẩm, trộn thêm các chất kích thích khác trong đó có ma tuý.
c) Đối với cỏ mỹ
Cỏ Mỹ là một loại ma túy cực mạnh, nguy hiểm hơn cả cần sa. Do đó Bộ Y tế đã đưa cỏ Mỹ vào danh mục các chất ma túy từ ngày 1-2-2016. Chất này khi sử dụng gây hoang tưởng, giãn đồng tử, hoại não, mất trí và tạo ảo giác kích động mạnh.
Hoạt chất chính có trong “cỏ Mỹ” là XLR-11. XLR-11 được quy định tại Nghị Định 126/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung thêm cho Nghị Định số 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã ban hành trước đây. Và mới nhất là Nghị Định 73/2018/NĐ-CP của Chính Phủ thay thế 2 Nghị Định trên, đưa cỏ Mỹ vào danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Hoạt chất XLR-11 được quy định trong BLHS năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS năm 2015 như tại Điều 250, Điều 251. Theo đó, mọi hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng cỏ Mỹ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Hà Nội đang đề xuất điều chỉnh các quy định, bổ sung các hành vi này để có căn cứ xử phạt nghiêm hơn. Quan điểm của luật sư về việc này như thế nào? Và cần điều chỉnh thế nào thì hợp lý?
Với đề xuất này Luật sư Hùng đồng ý với đề xuất của TP. Hà Nội về việc điều chỉnh các quy định, bổ sung các hành vi này để có căn cứ xử phạt nghiêm hơn. Luật sư có thêm một số quan điểm: “Hiện các quy định hiện hành đối với bóng cười, shisha chưa có nhiều chế tài đủ nghiêm. Đối với N2O, shisha thì ta có thể xem xét đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện, quy định theo hướng thắt chặt các điều kiện kinh doanh: như địa điểm, đối tượng, hay quy định đối với người sử dụng, cụ thể là độ tuổi theo như một số nước Anh, Mỹ; đồng thời tăng thuế tiêu thụ. Riêng với Shisha: Xử phạt nghiêm đối với hành vi nhập lậu mặt hàng này. Đối với “cỏ mỹ” đã có chế tài rất mạnh được quy định trong BLHS để xử lý nghiêm những hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng cỏ mỹ, tem giấy…. Mức án cao nhất hiện nay có thể là tử hình – đủ sức răn đe cao. Và cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên những quán cà phê, quán karaoke, trà đá… vì đây là những tụ điểm các bạn trẻ tụ tập, vui chơi, dễ có những trường hợp sử dụng các chất kích thích.
Để ý kỹ thì những đối tượng chính sử dụng shisha, bóng cười, cỏ mỹ,… là giới trẻ hiện nay. Các bạn trẻ thường có những suy nghĩ chủ quan vì pháp luật không cấm, nhất là bóng cười và shisha. Nhưng nếu dùng sai mục đích, dùng quá liều có thể dẫn đến hậu quả khôn lường với sức khỏe của người sử dụng. Do đó, việc tuyên truyền thông tin tới các khu vực trường học là rất cần thiết, để các bạn có thể biết và nhận ra được hậu quả khi sử dụng shisha, bóng cười, cỏ mỹ. Bên cạnh đó, chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ, gắt gao hơn đối với những nơi diễn ra hoạt động kinh doanh khí N2O, shisha, …”
Mọi vấn đề thắc mắc liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 1900.8698 để được Luật sư hỗ trợ và giải đáp chi tiết