TÌNH HUỐNG PHÁP LÝ
Ông Nguyễn Chí Thành, cán bộ ngành đường sắt (nghỉ hưu năm 2006) thường trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, sinh ngày 7/10/1946 tại thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Sự việc ông sinh năm 1946 được thể hiện trên bản gốc các giấy tờ như: Lý lịch cán bộ, Quyết định hưởng chế độ khi về hưu, Bằng tốt nghiệp phổ thông (1963), Giấy đăng ký kết hôn (1971). Nhưng do có sự nhầm lẫn nào đấy mà trong Sổ hộ khẩu và trong Chứng minh nhân dân (CA Hà Nội cấp 1978) lại ghi năm sinh của ông Nguyễn Chí Thành là 1945.
Ông Thành hỏi: Tôi muốn được cấp lại bản chính Giấy khai sinh (đã bị mất) để cơ quan công an có cơ sở điều chỉnh năm sinh của tôi trong Sổ hộ khẩu và trong Chứng minh nhân dân đúng thực tế, có được không?
Ý kiến của Luật sư chúng tôi:
1. Việc cấp lại bản chính Giấy khai sinh bị mất được quy định tại điều 62 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch phải “căn cứ vào sổ đăng ký khai sinh đang lưu trữ”. Do vậy, ông Thành nên liên hệ với Phòng Tư pháp huyện Tứ Kỳ hoặc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương để hỏi xem trường hợp của mình có đáp ứng được điều kiện nêu trên không? Nếu sự việc khai sinh của ông không được thể hiện trong Sổ đăng ký khai sinh đang còn lưu trữ thì không có cơ sở pháp lý để cấp lại cho ông bản chính Giấy khai sinh.
2. Trường hợp không được cấp lại bản chính Giấy khai sinh: Để cơ quan công an có cơ sở điều chỉnh năm sinh trong Sổ hộ khẩu và trong Chứng minh nhân dân của mình đúng với thực tế, ông Thành cần đăng ký lại việc sinh tại UBND phường Phương Liệt là nơi ông có hộ khẩu thường trú.
Khi đăng ký lại việc sinh, có thể xảy ra một trong hai trường hợp được quy định tại khoản 3 điều 48 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP:
Trường hợp thứ nhất, nếu người đi đăng ký lại việc sinh xuất trình bản sao giấy tờ đã cấp hợp lệ trước đây, thì nội dung khai sinh “được ghi theo nội dung của bản sao giấy tờ hộ tịch đó”;
Trường hợp thứ hai “đăng ký lại việc sinh cho người không có bản sao Giấy khai sinh đã cấp trước đây, nhưng đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, mà trong các hồ sơ giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán, thì đăng ký đúng theo nội dung đó. Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên”.
Theo chúng tôi, trong các giấy tờ cá nhân của ông Thành ghi “không thống nhất” về năm sinh thì Bằng tốt nghiệp phổ thông (được cấp năm 1963) – “giấy tờ được lập đầu tiên” là căn cứ pháp lý để điều chỉnh năm sinh (từ 1945 thành 1946).
Ông Thành nhận thấy tình huống đăng ký lại việc sinh của mình thuộc trường hợp nào thì tiến hành các thủ tục đăng ký phù hợp quy định của pháp luật.
Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch theo từng loại việc và bản chính Giấy khai sinh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi đăng ký một bản chính giấy tờ hộ tịch theo từng loại việc…” (khoản 2 điều 48).
Như vậy, sau khi đăng ký lại việc sinh, ông Thành sẽ được cấp bản chính Giấy khai sinh mà dưới tiêu đề của nó có ghi ba chữ “Đăng ký lại”. Bản chính Giấy khai sinh “Đăng ký lại” được cấp là cơ sở pháp lý để cơ quan công an điều chỉnh năm sinh trong Sổ hộ khẩu và trong Chứng minh nhân dân của ông đúng với thực tế, bởi nó là “giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy Khai sinh của người đó” (khoản 2 điều 5 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch).
Hy vọng rằng, trong xu thế cải cách thủ tục hành chính hiện nay, việc của ông sẽ được UBND phường Phương Liệt xem xét và giải quyết một cách nhanh chóng./
Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS
Ông là một luật sư giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai. Luật sư đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án tranh chấp đất đai, vụ án hình sự, kinh tế, thương mại,.. trên toàn quốc.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Công ty Luật TGS
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng là một luật sư giỏi, đã từng công tác tại Công ty Luật TNHH NHB và nhiều công ty luật có thương hiệu khác, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đất đai, hình sự, dân sự..
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Luật sư Công ty Luật TGS
Luật sư Đức Hùng từng công tác tại nhiều tổ chức hành nghề luật sư uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.
Luật sư Hà Huy Sơn – Luật sư Công ty Luật TGS
Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hình Sự, luật sư Hà Huy Sơn đã gây dựng được cho mình thương hiệu riêng và sự uy tín vững chắc đối với khách hàng.