Sáng ngày (2/3), TAND TPHCM tiếp tục xét xử vụ án cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Việt – Navibank.
10 bị cáo đều được tại ngoại và bị đưa ra xét xử, gồm: nguyên Tổng giám đốc Navibank Lê Quang Trí; 3 nguyên Phó tổng giám đốc Navibank là Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn; nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Đoàn Đăng Luật, nguyên Trưởng phòng Kế toán Huỳnh Vĩnh Phát, nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp Trần Thanh Bình, nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Đinh Thị Đoan Trang, nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro Nguyễn Ngọc Oanh và nguyên Trưởng phòng Pháp chế Phạm Thị Thu Hiền.
Ngay khi phiên tòa vừa bắt đầu, một số luật sư đề nghị chủ toạ không cho phép báo chí tác nghiệp. Lý do là để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của các bị cáo được Bộ luật dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định
Trước đó, trong 2 ngày xét xử (28/2 và 1/3), khi các nhà báo, phóng viên tác nghiệp chụp hình bị cáo, các bị cáo đều phản ứng gay gắt, không cho phép chụp hình và nói rằng phải có sự đồng ý của họ mới được chụp. Dù các nhà báo giải thích rằng đã được sự cho phép của HĐXX nhưng một số bị cáo vẫn yêu cầu văn bản đồng ý của HĐXX và phải được chính bị cáo cho phép.
>>>Xem thêm: Trình tự phát biểu tranh luận của bị cáo và người bào chữa cho bị cáo
Cơ sở pháp lý mà các luật sư và bị cáo sử dụng để ngăn cản báo chí đăng hình ảnh bị cáo tại phiên tòa: Khoản 1, 3 Điều 32 BLDS 2015 quy định :
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, Điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 56/2006 của Chính phủ đã quy định chế tài xử phạt hành chính với hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trái pháp luật. Như vậy, hiện nay pháp luật Việt Nam đã có những cơ chế khá chặt chẽ để bảo vệ hình ảnh cá nhân của công dân. Và theo nguyên tắc suy đoán vô tội quy định tại BLTTHS 2015, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật. Vì vụ án Navibank mới đang ở giai xét xử và chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực nên các bị cáo được xem là chưa có tội, họ vẫn có quyền nhân thân.
Tuy nhiên, việc nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa hình sự xét xử công khai liệu có vi phạm pháp luật?
Khoản 2 điều 32 BLDS 2015 quy định:
“Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.”
Trong một phiên tòa xét xử công khai, mọi công dân đều có quyền tham dự. Vì vậy, các nhà báo hoàn toàn có thể đến tham dự. Đồng thời, báo chí góp mặt tại phiên tòa còn đóng vai trò quan trọng, là đơn vị tường thuật lại diễn biến phiên xét xử cho người dân, giúp nhân dân thực hiện quyền giám sát việc cơ quan nhà nước là Viện kiểm sát và Tòa án thực hiện chức năng nhiệm vụ. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, việc đưa tin của cơ quan báo chí đã góp phần giảm các vụ án oan, sai. Có thể nói, việc báo chí tác nghiệp trên nhằm phục vụ lợi ích chung cho cộng đồng, lợi ích quốc gia. Như vậy, việc báo chí đăng hình ảnh của các bị cáo tại phiên tòa có thể xem là sử dụng hình ảnh cá nhân vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Hiện nay, pháp luật có quy định điều chỉnh hoạt động tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa xét xử công khai, cụ thể như sau:
– Điểm d khoản 2 điều 25 Luật báo chí 2016 quy định nhà báo có quyền: “Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”.
– Điều 256 BLTTHS 2015 và Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa đều quy định: Mọi người trong phòng xử án phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
Thực tiễn hiện nay, các vụ án xét xử hình sự công khai, cơ quan báo chí đều được tham dự phiên tòa và tác nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện và tuân thủ theo đúng sự chỉ định của Chủ tọa phiên tòa.
Như vậy, việc cơ quan báo chí tác nghiệp, chụp ảnh, đăng hình ảnh bị cáo tại phiên tòa xét xử công khai vụ án Navibank là hoàn toàn hợp pháp, không vi phạm quy định của pháp luật. Bị cáo và luật sư bào chữa của bị cáo ngăn cản việc tác nghiệp trên là thiếu cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động tác nghiệp của nhà báo cũng cần phải đúng đắn, không được xuyên tác, thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự… của các bị cáo.
Mọi vấn đề thắc mắc liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 1900 8698 để được Luật sư hỗ trợ chi tiết, kịp thời