Trong thời gian gần đây, thông tin về Phó Tổng giám đốc BOT Cần Thơ – Từ Thị Bích Nguyệt tràn ngập các mặt báo. Mặc dù chỉ xuất hiện ít phút trên truyền hình liên quan đến vấn đề thu phí tự động, nhưng nữ phó tổng giám đốc này đã gây ấn tượng mạnh không chỉ vì vẻ ngoài xinh đẹp mà còn bởi độ tuổi rất trẻ nhưng đã đảm đương chức vụ phó tổng giám đốc – một ví trí mà nhiều người rất khó đạt được ở độ tuổi 25. Được biết, Từ Thị Bích Nguyệt sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Luật, khoa Luật Kinh tế năm 22 tuổi. Sau 3 năm đi làm, hiện nay Bích Nguyệt đã giữ chức Phó Tổng giám đốc BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn trao đổi một số ý kiến với Bích Nguyệt xung quanh vấn đề được chị đưa ra tại cuộc họp ngày 11/9/2017 giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam với các nhà đầu tư BOT.
Thứ nhất, nội dung bài phát biểu của chị Từ Thị Bích Nguyệt liên quan đến việc chậm triển khai lắp đặt công nghệ thu phí không dừng.
Từ Thị Bích Nguyệt đã đưa ra những ý kiến của mình để lý giải cho việc nhà đầu tư BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp chậm triển khai lắp đặt công nghệ thu phí không dừng như sau:
“Nói nhà đầu tư tại sao lại chậm kí hợp đồng, bởi vì còn có căn nguyên của nó. Xây dựng xong rồi, kinh doanh khai thác là một giai đoạn thứ 2 của hợp đồng này. Đến giai đoạn thứ 2, hợp đồng ban đầu kí làm gì có không dừng đâu ạ! Mà chỉ là khuyến khích thôi. Tất cả các dự án BOT bây giờ đến giai đoạn kinh doanh, khai thác lại chuyển cho một nhà đầu tư khác cũng là một doanh nghiệp không phải cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì làm sao nói được minh bạch hơn”.
Ngoài ra nữ phó tổng giám đốc này còn cho rằng với 29 trạm thu phí đang triển khai, chỉ một đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng là VETC liệu có đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng?
Chưa vội xét những quan điểm này là đúng hay sai nhưng chúng ta phải thừa nhận một điều là Từ Thị Bích Nguyệt rất bản lĩnh và mạnh mẽ khi đưa ra những phát biểu của mình.
Thứ hai, cơ chế vận hành của công nghệ thu phí điện tử không dừng
Chủ phương tiện sẽ được phát miễn phí một thẻ định danh (E-Tag) để dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể dễ dàng nạp tiền trực tiếp hoặc nạp qua internet, qua ngân hàng, gửi tin nhắn SMS, thậm chí bằng thẻ cào điện thoại.
Khi xe đã dán E-Tag chạy vào làn thu phí, hệ thống tự động nhận diện bằng công nghệ laser, sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống ăng-ten phát tín hiệu để đọc thẻ E-Tag. Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản. Nếu đủ điều kiện, các thanh chắn barie sẽ mở tự động để xe qua. Đồng thời, tin nhắn SMS được gửi về số điện thoại của chủ phương tiện để thông báo. Tổng thời gian xe qua trạm chỉ còn 3-5 giây sẽ hạn chế ùn tắc giao thông, đồng thời ít gây lãng phí nguồn lực xã hội do phải huy động nhiều nhân công và chi phí in vé.
Thứ ba, quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng và những lợi ích của việc lắp đặt hệ thống này.
Theo khoản 6 Điều 3 Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg, trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông theo hình thức tự động không dừng, có gắn các thiết bị để nhận dạng thẻ đầu cuối và kết nối với trung tâm dữ liệu được xây dựng theo dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Việc thực hiện thu giá dịch vụ điện tử tự động không dừng phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:
– Không được làm tăng mức thu so với các hình thức thu hiện hành.
– Bảo đảm quyền thụ hưởng giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các nhà đầu tư theo dự án đã được phê duyệt hoặc hợp đồng dự án đã được ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm việc tích hợp, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để phục vụ các mục tiêu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm tính minh bạch của công tác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
– Bảo đảm yêu cầu về kết nối liên thông giữa các hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.
Có thể thấy rằng, lợi ích của việc áp dụng thu phí điện tử không dừng là rất lớn, không những đảm bảo tính công khai minh bạch trong hoạt động thu phí mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội, đảm bảo công tác quản lý của Nhà nước đối với các các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước. Thực tế cũng cho thấy, việc áp dụng hình thức thu phí thủ công đã trở nên lạc hậu đối với yêu cầu về lưu lượng giao thông tại Việt Nam, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp như: gây ùn tắc, đòi hỏi nhiều nhân lực tại trạm thu phí, phát sinh nhiều chi phí không cần thiết như in ấn, hao tốn nhiên liệu, thời gian . Chính vì vậy việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng sẽ là biện pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những hạn chế đó.
Thứ tư, về việc phó tổng giám đốc BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp lo ngại đối rằng “chỉ có một đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng là VETC không đảm bảo tính công bằng, minh bạch”.
Về cơ bản, việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào đó là quyền của nhà đầu tư BOT thông qua đàm phán, đấu thầu. Bộ GTVT không can thiệp vào việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng của các nhà BOT. Tuy nhiên theo quy định tại Quyết định 07/2017/QĐ-TTg, hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng phải được thiết kế, lắp đặt, xây dựng đồng bộ trên toàn quốc, bảo đảm vận hành liên tục, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và an toàn. Chính vì vậy, để đảm bảo tính đồng bộ thì việc cơ quan nhà nước lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động là phù hợp trong bối cảnh này, nếu tìm một nhà cung cấp khác thì phải đáp ứng các quy chuẩn nhất định và được sự chấp thuận của Bộ GTVT. Việc phó tổng giám đốc BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp lo ngại dường như chỉ là cái cớ để tiếp tục “ chây ỳ” trong việc triển khai lắp đặt công nghệ.
Chị Từ Thị Bích Nguyệt cho rằng “Tất cả các dự án BOT bây giờ đến giai đoạn kinh doanh, khai thác lại chuyển cho một nhà đầu tư khác cũng là một doanh nghiệp không phải cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì làm sao nói được minh bạch hơn” là chưa hiểu về cơ chế hoạt động của công nghệ thu phí tự động. Bởi toàn bộ giao dịch thu phí đều được chuyển về và lưu trữ trên trung tâm dữ liệu của hệ thống. Tiền thu phí được chuyển vào tài khoản trung gian, đến cuối mỗi ngày, doanh thu của từng trạm thu phí sẽ được đối soát và chuyển về tài khoản của từng nhà đầu tư BOT thông qua hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng một cách chính xác, minh bạch, được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Về nguyên tắc vẫn bảo đảm quyền thụ hưởng giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các nhà đầu tư theo dự án đã được phê duyệt hoặc hợp đồng dự án đã được ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thời gian qua, do thiếu sự giám sát, nhiều trạm thu phí BOT đã “luồn lách” để tận thu, làm thất thoát tiền của nhà nước, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy việc để cho chính các nhà đầu tư quản lý hệ thống này là không đảm bảo tính khách quan. Đối với các dự án BOT, Nhà nước đương nhiên có quyền kiểm tra giám sát để đảm bảo không có dấu hiệu vi phạm của các trạm thu phí, đảm bảo quyền lợi của người tham gia giao thông và thực hiện đúng tiến độ, thời điểm chuyển giao lại cho Nhà nước, tránh tình trạng các trạm thu phí kê khai không đúng sự thật nhằm tối đa hóa lợi ích của mình. Do đó, việc bắt buộc thực hiện lắp đặt công nghệ thu phí là việc nhất thiết phải làm.
Việc nhanh chóng triển khai lắp đặt công nghệ này sẽ đảm bảo tính dân chủ và sự tin tưởng từ người tham gia giao thông. Vậy tình trạng chậm trễ có phải xuất phát từ sự lo lắng thiếu minh bạch hay do nhà đầu tư e sợ rằng khuất tất trong hoạt động thu phí bị phát hiện?
Theo lộ trình lộ trình bàn giao việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ:
Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên:
– Chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện việc thu giá theo hình thức điện tử tự động không dừng theo quy định của Quyết định này. Lộ trình cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
– Đối với trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ được xây dựng sau ngày 01 tháng 01 năm 2019, nhà đầu tư phải thực hiện bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ ngay sau khi được nghiệm thu, đưa vào sử dụng cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá.
– Việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Lộ trình này đòi hỏi các nhà đầu tư phải gấp rút thực hiện lắp đặt thu phí tự động để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý của Nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.
Theo đó, những lí do do Phó TGĐ BOT Cần Thơ là thiếu cơ sở, chỉ nhằm để biện minh cho sự chậm trễ của các nhà đầu tư này trong khi nhiều nhà đầu tư khác đã hoàn tất việc lắp đặt, đem lại sự hài lòng cho người tham gia giao thông.
»Xem thêm:
• Dùng tiền lẻ nhằm phản đối trạm thu phí BOT có bị xử phạt không?
• Triệu tập lái xe trả tiền lẻ qua trạm BOT – dưới góc nhìn pháp lý