Khi quy định về giới hạn xét xử, đã có nhiều quan điểm khác nhau : Có quan điểm cho rằng giới hạn xét xử là để đảm bảo nguyên tắc có truy tố mới có xét xử “quyết định truy tố của Viện kiểm sát bằng bản cáo trạng là cơ sở pháp lý duy nhất để Toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử”, nhưng cũng có quan điểm cho rằng giới hạn xét xử là vi phạm nguyên tắc khi xét xử “thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” đã được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Vậy “Giới hạn của việc xét xử” là gì? Pháp luật Tố tụng hình sự Việt Nam quy định về vấn đề này như thế nào ?
Ý kiến Luật sư về giới hạn xét xử của Toà án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (Ảnh minh họa)
“Giới hạn của việc xét xử” là gì? Đây thực chất là mối quan hệ tố tụng hình sự giữa Viện kiểm sát và Toà án ở giai đoạn xét xử từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm và tái thẩm. Mối quan hệ này xuất hiện bắt đầu từ khi Viện Kiểm sát gửi cáo trạng và hồ sơ vụ án sang Toà án và nó được thê hiện thông qua Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát uỷ quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án, làm cáo trạng và giữ quyền công tố trước toà cùng với Thẩm phán được giao nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án và sẽ làm chủ toạ phiên toà nếu vụ án được đưa ra xét xử.
Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 của Việt Nam quy định về giới hạn của việc xét xử:
“Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.
Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.”
Tuy nhiên trong thực tiễn thi hành quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung về giới hạn xét xử. Cụ thể, Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 của Việt Nam quy định như sau:
“1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”
Từ đây, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Hãng Luật TGS LawFirm) – chuyên viên tư vấn pháp luật hình sự đã đưa ra quan điểm của mình về quy định mới này như sau:
Thứ nhất: Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 đã bỏ khái niệm “Tòa án chỉ xét xử …” trong quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự 2003 thành quy định “Tòa án xét xử …”. Như vậy, quy định mới đã mở rộng giới hạn xét xử của Tòa án : Ngoài chủ thể là “những bị cáo mà Viện kiểm sát truy tố ” và “những hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát truy tố” thì Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm. Có thể thấy quy định theo luật 2003 đã xung đột với nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự là khi xét xử “thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án. Mặt khác, việc quy định Tòa án phải xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố cũng không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội; từ đó có thể dẫn đến trường hợp vụ án không được xem xét một cách khách quan, toàn diện vì khi xét xử, Hội đồng xét xử chỉ tập trung kiểm tra tài liệu, chứng cứ xem bị cáo có phạm tội mà Viện kiểm sát truy tố hay không. Việc thay đổi, bỏ một từ “chỉ” đi theo quy định của bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 phù hợp với Hiến pháp 2013 và tinh thần cải cách tư pháp được thể hiện trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời cũng tháo gỡ không ít khó khăn trong thực tiễn xét xử của Tòa án, bảo đảm sự độc lập của Tòa án trong xét xử, bảo đảm phán quyết của Tòa án phải trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh tụng và những chứng cứ đã được kiểm tra công khai tại phiên tòa.
Thứ hai: Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 có quy định bổ sung thêm khoản 3 “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”. Quy định mới này là cần thiết và quan trọng, trong quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003 không quy định việc Tòa án được xét xử tội danh nặng hơn đã dẫn đến tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần nhưng kết quả không bổ sung điều tra được và Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, Hội đồng xét xử phải xét xử theo đúng quy định của pháp luật và có nhiều trường hợp bản án sơ thẩm bị hủy, gây nên xôn xao trong dư luận đặc biệt gần đây là vụ án nhập khẩu thuốc chữa bệnh của Công ty VN Pharma, đây là những bất cập, hạn chế trong quá trình thi hành Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003, vì vậy việc Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 bổ sung quy định Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội nặng hơn chính là sự đảm bảo trong nguyên tắc xét xử độc lập của Tòa án được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án Nhân Dân. Có ý kiến cho rằng, viện kiểm sát là cơ quan duy nhất có chức năng buộc tội, nếu Tòa án xét xử tội danh khác nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án đã vượt qua chức năng xét xử vì có thêm chức năng buộc tội. Như vậy, Tòa án vừa có chức năng xét xử vừa có chức năng buộc tội thì dẫn đến lạm quyền. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định này là phù hợp bởi dù có được quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố thì cũng phải nằm trong nhóm tội danh phù hợp với hành vi mà bị cáo đã thực hiện. Mặt khác, để thực hiện việc xét xử theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố thì Toà án “cần thi hành đúng các quy định của BLTTHS về thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp, về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm và về việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo”. Hơn nữa, pháp luật cũng đã trao cho Viện kiểm sát quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án khi Viện kiểm sát cho rằng quyết định của Tòa án không khách quan, vi phạm về thủ tục tố tụng.
Tuy nhiên, cũng tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 Điều này còn một vấn đề còn bỏ ngỏ đó là: Vậy nếu tội danh nặng hơn đó thuộc thẩm quyền xét xử của tòa cấp trên hoặc thuộc trường hợp phải bắt buộc có luật sư, hội đồng xét xử năm người thì giải quyết như thế nào? Hơn nữa, Điều luật không quy định trường hợp Viện kiểm sát phát hiện tội danh nặng hơn tội danh mà mình đã truy tố thì đề nghị Tòa án trả hồ sơ để truy tố lại. Do đó, nếu gặp trường hợp này thì Viện kiểm sát đành chờ Tòa án trả hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 mà không thể chủ động. Chẳng hạn, Tòa án không đồng nhất quan điểm phải truy tố tội danh nặng hơn thì Viện kiểm sát cũng không có quyền đề nghị rút hồ sơ vụ án.
Chính vì giữa Viện kiểm sát và Toà án hình thành nhiều mối quan hệ như đã nêu trên nên việc quy định vấn đề “giới hạn của việc xét xử” và bản thân việc tuân thủ vấn đề “giới hạn của việc xét xử” là một trong những yếu tố đảm bảo hiệu quả và tính khách quan của công tác xét xử, nên cần xem xét, sửa đổi, bổ sung sao cho quy định về “giới hạn của việc xét xử” hoàn thiện, đảm bảo cho công tác xét xử minh bạch, công bằng “đúng người, đúng tội, đúng thẩm quyền”.
Mọi thông tin thắc mắc cần giải đáp liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hình sự 1900 6110 để được Luật sư TGS Law hỗ trợ
Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS
Ông là một luật sư giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai. Luật sư đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án tranh chấp đất đai, vụ án hình sự, kinh tế, thương mại,.. trên toàn quốc.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Công ty Luật TGS
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng là một luật sư giỏi, đã từng công tác tại Công ty Luật TNHH NHB và nhiều công ty luật có thương hiệu khác, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đất đai, hình sự, dân sự..
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Luật sư Công ty Luật TGS
Luật sư Đức Hùng từng công tác tại nhiều tổ chức hành nghề luật sư uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.
Luật sư Hà Huy Sơn – Luật sư Công ty Luật TGS
Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hình Sự, luật sư Hà Huy Sơn đã gây dựng được cho mình thương hiệu riêng và sự uy tín vững chắc đối với khách hàng.