Trong thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông liên tiếp diễn ra tại các trạm thu phí BOT trên cả nước, như trạm BOT Hạc Trì, Tam Nông (Phú Thọ), trạm BOT Bến Thủy (Nghệ An), trạm BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh), Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) do vấp phải phản ứng mạnh mẽ của người dân từ việc thu phí bất hợp lý. Mới đây, tại trạm trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 (thuộc địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã phải phải xả trạm, ngừng thu phí, để giảm ùn tắc sau khi nhiều lái xe mua vé bằng tiền lẻ. Tuy nhiên, vấn đề trở nên căng thẳng hơn và khiến không ít người dân hoang mang sau khi biết được thông tin một số tài xế trả tiền lẻ với mệnh giá thấp khi mua vé qua Trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 (Hưng Yên) đã bị cơ quan công an triệu tập để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Đại tá Đỗ Đình Hào – Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên xác nhận đang điều tra dấu hiệu gây rối an ninh, trật tự trong vụ tài xế trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí trên quốc lộ 5; nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành khởi tố vụ án. Tuy nhiên nếu nhìn nhận trên góc độ pháp lý thì thấ rất khó để cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự những người đã sử dụng tiền lẻ có mệnh giá thấp trả phí BOT.
Nhiều tài xế dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm ở một số các trạm thu phí BOT trên cả nước
Thứ nhất, cần xem xét lại việc đặt trạm thu phí số 1 tại huyện Văn Lâm đã phù hợp hay không và việc thu phí có đảm bảo tính hợp lý chưa?
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết hiện nay việc đặt trạm thu phí số 1 tại huyện Văn Lâm là không phù hợp. Điều này đã khiến cho nhiều tài xế phản ứng gay gắt bên cạnh đó việc thu phí quá cao đã dẫn tới tình trạng rất nhiều tài xế tìm mọi cách có thể để né trạm thu phí, không chỉ gây thất thu ngân sách mà làm cho các tuyến đường liên xã, liên huyện cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Người dân (Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng) cũng cho biết, tuyến Quốc lộ 5 nhiều năm qua hầu như không được đầu tư nên xuống cấp, trong khi mức phí thu lại không ngừng tăng lên. Trả một số tiền rất cao nhưng nhận lại một giá trị không tương xứng thì sự phản ứng từ người dân là điều dễ hiểu, đặc biệt là với những người dân ở gần trạm BOT.
Bởi vậy, thay vì truy cứu trách nhiệm của người dân, hãy truy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để tồn tại tình trạng này trong nhiều năm qua.
Thứ hai, việc sử dụng tiền lẻ hay tiền có mệnh giá nhỏ để trả phí BOT có vi phạm pháp pháp luật hay không?
Căn cứ Luật Ngân hàng nhà nước thì việc sử dụng tiền lẻ hay tiền có mệnh giá nhỏ trong lưu thông, trao đổi hàng hóa là không vi phạm pháp luật, bởi “Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam” (Điều 17 Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam). Cách gọi “tiền lẻ” – “tiền chẵn” xuất phát từ sự phân biệt của người dân đối với mệnh giá của đồng tiền; không có quy định nào về tiền lẻ – tiền chẵn. Dù đồng tiền có mệnh giá thấp hay cao thì về pháp lý, đều được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp.
Hơn nữa, tại Khoản 3 điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định : “Nghiêm cấm việc từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành”. Bởi vậy, bất cứ trường hợp nào từ chối tiếp nhận đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ ba, việc thanh toán bằng “tiền lẻ” khi qua trạm thu phí BOT có liên quan gì không khi cơ quan có thẩm quyền xem xét những căn cứ cấu thành tội phạm gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật?
Để quy kết một người có tội hay không đều phải xem xét các dấu hiệu pháp lý của tội phạm. Nếu không đáp ứng các dấu hiệu pháp lý về khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ.
Việc cơ quan công an triệu tập một số tài xế để xác minh, điều tra khi chưa có đủ căn cứ để khởi tố vụ án là trái với quy định của pháp luật. Theo đó, điều 35 Bộ luật tố tụng hình sự quy định giấy triệu tập chỉ được áp dụng “khi đã khởi tố vụ án”.
Tội gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý phá vỡ tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội được quy định cụ thể tại điều 245 Bộ Luật hình sự năm 1999.
Tại Điểm 5 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17 tháng 4 năm 2003, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn 2003 hướng dẫn:
“Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:
1. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
2. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
…”
Trong khi đó, hành vi của các tài xế sử dụng tiền lẻ là đúng luật, chỉ để thể hiện quan điểm cá nhân, thái độ bức xúc của họ đối với trạm thu phí BOT; hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào để có thể xem đó là căn cứ “quy kết” hành vi này “mang tính chất nguy hiểm” của tội phạm hay “gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong sự việc này, cơ quan điều tra cần làm rõ việc có hay không đối tượng nào đứng đằng sau kích động các tài xế trả tiền lẻ và đối tượng nào đã kích động người dân địa phương chặn xe tải khi qua trạm thu phí để cố ý gây rối vì mục đích khác; có sự hỗn loạn, la hét, chửi bới xảy ra không?
Về mặt khách quan của tội phạm, phải đảm bảo có xảy ra hành vi gây rối trật tự công cộng, trong khi như trên đã nêu, việc sử dụng “tiền lẻ” trả phí qua trạm BOT là tuân thủ quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước, thì làm sao có thể xem đấy là “hành vi gây rối…”, hay là “căn cứ cấu thành tội phạm” được?
Động cơ của các tài xế khi trả “tiền lẻ” xuất phát từ sự không hợp lý trong thu phí của trạm BOT mà ngay bản thân ông Chủ tịch tỉnh cũng phải thừa nhận, thì đây cũng đâu phải là “động cơ phạm tội”?