Theo nguồn tin 24h, ngày 6.11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM cho biết vừa khám phá thành công chuyên án sản xuất, chế tạo, mua bán và sử dụng súng đạn quân dụng cực lớn.
Công an đã thu giữ kho vũ khí gồm 26 khẩu súng các loại như AR15, súng bút, súng ru lô ZP5, súng bắn đạn hoa cải, 2 quả lựa đạn, 1 quả mìn tự chế, 176 viên đạn các loại, ống giảm thanh,…cùng nhiều thiết bị, dụng cụ chế tạo súng đạn. Tại địa điểm chế tạo vũ khí Công an đã thu giữ thêm 400 gram thuốc nổ TNT, 300 gram thuốc súng, 50 gram thuốc phóng, 79cm dây cháy chậm, 3 hộp tiếp đạn súng AK, 1 bán súng AR15, 1 súng tự chế, 1 trái mìn và nhiều thiết bị để phục vụ cho việc chế tạo súng, đạn.
Đường dây do đối tượng Nguyễn Hồng Phúc. Hiện Công an đã bắt giữ 9 đối tượng gồm: Nguyễn Hồng Phúc (33 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú tỉnh Bình Phước, kẻ cầm đầu), Huỳnh Văn Trung (40 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú quận 8, TPHCM), Lê Ngọc Mãi (16 tuổi, quê Đồng Tháp), Phùng Ngọc Cảnh (29 tuổi, quê Gia Lai), Lê Điền Khắc Huy (31 tuổi, quê Tiền Giang), Lê Minh Châu (29 tuổi, quê Tiền Giang), Khúc Chí Tài (29 tuổi, quê Hưng Yên, tạm trú huyện Hóc Môn, TPHCM), Mai Quang Minh (18 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) và Bùi Trọng Trí (25 tuổi, quê Hậu Giang, tạm trú quận Bình Tân, TP.HCM)
Hiện nay công an vẫn đang mở rộng điều tra về đường dây sản xuất, chế tạo súng đạn này.
Sau đây hãy cùng Luật sư TGS xem xét trách nhiệm hình sự của các đối tượng nêu trên trong đường dây sản xuất, chế tạo, mua bán và sử dụng súng đạn quân dụng này.
Theo khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2011 thì:
“Vũ khí quân dụng gồm:
a) Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự;
b) Vũ khí hạng nhẹ gồm súng đại liên, súng cối dưới 100 mi-li-mét, (mm), súng ĐKZ, súng máy phòng không dưới 23 mi-li-mét (mm), súng phóng lựu, tên lửa chống tăng cá nhân, tên lửa phòng không vác vai, các loại vũ khí hạng nhẹ khác có tính năng, tác dụng tương tự;
c) Các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ;
d) Vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.”
Do đó, các đối tượng trên đã thực hiện hành vi cấu thành Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 230 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi 2009
“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
A) Có tổ chức;
B) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
C) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
D) Gây hậu qủa nghiêm trọng;
Đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm:
A) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
A) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”
Tùy thuộc vào số lượng vũ khí đã thu giữ được và thu giữ thêm khi mở rộng chuyên án (nếu có) được xác định là “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn” mà các khung hình phạt sẽ tăng dần.
Mọi chi tiết xin liên hệ hotline 1900 6110 để được tư vấn trực tiếp về pháp luật hình sự.
Trân trọng!