Bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 97 ngày 16/6/2017 do Thượng tá Trịnh Tiến Mạnh, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an TP Uông Bí ký, có nội dung: “Tại Bản kết luận giám định số 130 ngày 21/1/2017 của Phòng Kỹ thuật Hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh, kết luận 2 gói chất tinh thể màu trắng thu của Trung có trọng lượng 1,83g mà Trung khai là ma túy đá, không phải là chất ma túy. Tại Bản kết luận giám định số 2251 ngày 19/5/2017 của Viện Khoa học Hình sự thuộc Tổng cục Cảnh sát kết luận không tìm thấy chất ma túy trong mẫu tinh thể đựng trong phong bì ký hiệu 130/GĐMT gửi giám định”.

Trước đó, tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 03/QĐ ngày 7/5/2017, Cơ quan CSĐT, Công an TP Uông Bí đã phải thừa nhận hàng loạt hành vi vi phạm tố tụng của Phó Thủ trưởng và điều tra viên như: Không thông báo cho gia đình Đỗ Văn Trung biết việc bắt, tạm giữ, tạm giam đối với Trung (vi phạm khoản 3 Điều 303 Bộ luật Tố tụng hình sự); ghi lời khai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người bị tạm giữ là người chưa thành niên không có người đại diện hợp pháp quy định tại khoản 1 Điều 306 Bộ luật Tố tụng hình sự; mời người đại diện giám hộ cho bị can không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 306 Bộ luật Tố tụng hình sự; không hỏi ý kiến người đại diện hợp pháp để cử người bào chữa cho bị can Đỗ Văn Trung theo Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thừa nhận khiếu nại của bà Lan là đúng, khi đó, Cơ quan CSĐT, Công an TP Uông Bí đã quyết định thay đổi Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT và điều tra viên vụ án.

Kết thúc điều tra, Cơ quan CSĐT, Công an TP Uông Bí đã chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND TP Uông Bí đề nghị truy tố Đỗ Văn Trung nhưng đã bị Viện KSND ký văn bản (ngày 7/7/2017) trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngoài ra, Kết luận về việc xác minh nội dung tố cáo số 02 ngày 22/7/2017 của Cơ quan CSĐT, Công an TP Uông Bí, cũng đã thừa nhận: Việc giam giữ Đỗ Văn Trung tại Nhà Tạm giữ Công an TP Uông Bí chung với người thành niên là vi phạm Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 7/11/1998 của Chính phủ…

Ngày 11/8/2017, Cơ quan CSĐT, Công an TP Uông Bí đã có kết luận điều tra, nhưng về cơ bản vẫn là “bình mới rượu cũ”.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về một số quy định của pháp luật có liên quan, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Mai Hùng Thịnh, Giám đốc Công ty Luật TNHH MeKong Việt Nam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, về vấn đề này:

Ông có thể cho biết một số quy định của pháp luật hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên? 

+ Trước hết, về mặt khái niệm, người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi (Điều 21 Bộ luật Dân sự). Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án. Do đó, tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân mà họ cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng hình sự. Điều này đã được pháp luật ghi nhận, bảo vệ và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội (Điều 69 Bộ luật Hình sự).

Khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH của Viện KSND Tối cao – TAND Tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định: Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa, người đại diện hợp pháp của họ về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung. Trường hợp cần thiết hoặc khi người chưa thành niên có yêu cầu, có thể mời cán bộ chuyên trách, cán bộ trợ giúp, tư vấn về pháp lý, y tế cùng tham gia để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho họ.

Các quy định về thu thập chứng cứ thì sao, thưa ông?

+ Khoản 1 Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự định nghĩa: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Theo đó, chứng cứ có ba thuộc tính cơ bản là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Trong quá trình thu thập chứng cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng phải bảo đảm tuân thủ đúng theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự thì: Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Đối chiếu với các quy định nêu trên có thể thấy, việc Cơ quan CSĐT kết luận Trung phạm tội “mua bán trái phép chất ma tuý” là chưa thoả đáng ở những điểm sau:

+ Thứ nhất, qua 2 lần giám định tại Phòng Kỹ thuật Hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh và Viện Khoa học Hình sự thuộc Tổng cục Cảnh sát đều kết luận không tìm thấy chất ma tuý. Tức là, lời khai của Trung không đúng và không phù hợp với chứng cứ khác của vụ án.

+ Thứ hai, việc lấy lời khai của Trung khi không có người đại diện hợp pháp quy định tại khoản 1 Điều 306 Bộ luật Tố tụng hình sự là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do đó, lời khai của Trung khi không có người đại diện hợp pháp không thể được xem là chứng cứ để khép tội, vì không đảm bảo tính hợp pháp, không tuân thủ trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ quá trình điều tra, xử lý vụ án để tránh gây oan sai cho người vô tội, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và quay trở lại vụ việc trên khi có thêm thông tin.

(Nguồn: ThanhtraVietNam)