Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật thi hành án hình sự.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ 2010
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
Điều 2. Bản án, quyết định được thi hành
1. Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành:
a) Bản án hoặc phần bản án của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm;
b) Bản án của Toà án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án.
2. Bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
3. Quyết định của Toà án Việt Nam tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam chấp hành án và đã có quyết định thi hành; quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài.
4. Bản án, quyết định về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người chấp hành án là người bị kết tội và phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Phạm nhân là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân.
3. Thi hành án phạt tù là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc phạm nhân phải chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có ích cho xã hội.
4. Thi hành án tử hình là việc cơ quan có thẩm quyền tước bỏ quyền sống của người chấp hành án theo quy định của Luật này.
5. Thi hành án treo là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này giám sát, giáo dục người bị phạt tù được hưởng án treo trong thời gian thử thách.
6. Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này giám sát, giáo dục người chấp hành án tại xã, phường, thị trấn và khấu trừ thu nhập sung quỹ nhà nước theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
7. Thi hành án phạt cấm cư trú là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án không được tạm trú, thường trú ở một số địa phương nhất định theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
8. Thi hành án phạt quản chế là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án phải cư trú, làm ăn sinh sống ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
9. Thi hành án phạt trục xuất là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
10. Thi hành án phạt tước một số quyền công dân là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này tước bỏ một hoặc một số quyền công dân của người chấp hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
11. Thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người phải chấp hành án không được đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
12. Thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc người đang chấp hành án bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình phải điều trị tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc theo bản án, quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát.
13. Thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chưa thành niên phạm tội nhưng không phải chịu hình phạt phải chịu sự giám sát, giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo bản án, quyết định của Tòa án.
14. Thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này đưa người chưa thành niên phạm tội nhưng không phải chịu hình phạt vào trường giáo dưỡng để giáo dục theo bản án, quyết định của Tòa án.
15. Áp giải thi hành án là việc buộc người chấp hành án phạt tù, tử hình, trục xuất đến nơi chấp hành án. Người áp giải được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
16. Trích xuất là việc thực hiện quyết định của người có thẩm quyền theo quy định của Luật này đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám, chữa bệnh, quản lý giam giữ trong thời hạn nhất định.
17. Danh bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lai lịch, nhân dạng, ảnh chụp ba tư thế, in dấu vân tay hai ngón trỏ của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.
18. Chỉ bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lai lịch và in dấu vân tay tất cả các ngón của người chấp hành án do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.
Điều 4. Nguyên tắc thi hành án hình sự
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Bản án, quyết định có hiệu lực thi hành phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh.
3. Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án.
4. Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất và mức độ phạm tội, độ tuổi, giới tính, trình độ văn hoá và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.
5. Thi hành án đối với người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.
6. Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại.
7. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật trong hoạt động thi hành án hình sự.
8. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình vào việc giáo dục cải tạo người chấp hành án.
Điều 5. Trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án hình sự
Cơ quan, tổ chức và cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình có trách nhiệm phối hợp và thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này trong thi hành án hình sự.
Điều 6. Giám sát việc thi hành án hình sự
Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức trong thi hành án hình sự và các cơ quan, tổ chức khác liên quan đến hoạt động thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự
1. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự.
2. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về thi hành án hình sự.
Điều 8. Hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự
Hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự giữa cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế.
Điều 9. Những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự
1. Phá huỷ cơ sở quản lý giam giữ phạm nhân; huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở quản lý giam giữ phạm nhân; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi quản lý phạm nhân; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải thi hành án; đánh tháo phạm nhân, người bị áp giải thi hành án.
2. Không chấp hành quyết định thi hành án hình sự; cản trở hoặc chống lại việc thực hiện nội quy, quy chế về thi hành án hình sự hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
3. Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về thi hành án hình sự; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người có trách nhiệm thi hành án hình sự.
4. Không ra quyết định thi hành án hình sự; không thi hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của pháp luật.
5. Đưa, nhận, môi giới hối lộ, sách nhiễu trong thi hành án hình sự.
6. Tha trái pháp luật người đang bị giam, người bị áp giải thi hành án; thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, canh gác, áp giải thi hành án để người chấp hành án phạt tù, án tử hình hoặc án trục xuất trốn.
7. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ thời hạn chấp hành án cho người không đủ điều kiện được miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ; không đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành án hình sự cho người đủ điều kiện được miễn, giảm; cản trở người chấp hành án thực hiện quyền được đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành án.
8. Cấp hoặc từ chối cấp quyết định, giấy chứng nhận, xác nhận hoặc giấy tờ khác về thi hành án hình sự trái quy định của pháp luật.
9. Xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án.
10. Làm sai lệch hồ sơ, sổ sách về thi hành án hình sự.
Mọi thắc mắc cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.8698 Hoặc truy cập vào Website: https://congtyluattgs.vn