Câu hỏi 1: Luật sư có thể chia sẻ thực trạng nguồn nhân lực lao động sau Tết? Theo bà, thị trường lao động sau tết Nguyên đán năm nay có biến động thiếu hụt hay không?
Xét trên tổng thể chung, chúng ta không thiếu hụt nguồn lao động, thậm chí là nguồn cung lao động vẫn rất lớn, nhu cầu việc làm vẫn có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, trong các năm gần đây, hiện tượng biến động nhân sự do người lao động tự ý bỏ việc, “nhảy việc” sau tết nguyên đán diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM), khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các ngành nghề cần nhiều nhân công.
Có nhiều nguyên nhân khiến người lao động bỏ việc sau tết nguyên đán (như do điều kiện và hoàn cảnh riêng, hoặc do bản thân người lao động muốn thay đổi môi trường làm việc hoặc công việc mới) nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do những người lao động chưa hài lòng với mức độ đãi ngộ, lương thưởng, phúc lợi xã hội của các doanh nghiệp; có nhiều doanh nghiệp vẫn còn chưa đảm bảo, thậm chí là vi phạm các quyền lợi hợp pháp của người lao động (không trả lương đúng hạn, không đóng BHXH cho người lao động).v.v..
Những điều đó đã khiến người lao động không còn mặn mà với công việc và doanh nghiệp, muốn tìm kiếm công việc mới tốt hơn, có thu nhập và các quyền lợi khác tốt hơn.
Câu hỏi 2: Thưa Luật sư, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán không ít người lao động chấm dứt Hợp đồng Lao động đơn phương đối với Doanh nghiệp. Vậy hành vi chấm dứt hợp đồng đơn phương đó có trái với quy định của pháp luật hay không? Trong trường hợp này thì người sử dụng LĐ sẽ giải quyết quyền lợi cho NLĐ như thế nào? Nghĩa vụ của người lao động ra sao?
Việc người lao động tự ý bỏ việc mà không thuộc các trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt hợp lao động và không thực hiện nghĩa vụ báo trước cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 37 Luật lao động năm 2012 (và Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019 – Sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2019), thì đó là việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 43 Bộ luật lao động năm 2012 (Điều 40 Bộ luật lao động năm 2019), người lao động vi phạm sẽ không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước; Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo theo quy định (nếu có).
Nếu các bên không thể tự thương lượng, giải quyết được, thì các người sử dụng lao động có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải tranh chấp hoặc khởi kiện người lao động vi phạm tại Tòa án, yêu cầu Tòa án bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi 3: Thưa Luật sư, nhằm giữ chân NLĐ ổn định sản xuất kinh doanh, không ít DN luôn nêu cao tinh thần: “Tuyển dụng lao động đồng thời phải biết cách sử dụng hợp lý, lợi nhuận trong kinh doanh nhưng cũng cần phải quan tâm đến quyền và lợi ích của công nhân, tạo môi trường thuận lợi cũng như luôn cải thiện được chính sách, chế độ, nâng thu nhập, chăm lo thiết thực đến đời sống công nhân, đó là chìa khóa để giữ chân người lao động, đặc biệt là sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hằng năm”. Luật sư có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
Quan điểm này là hoàn toàn đúng, bởi lẽ: Các doanh nghiệp chỉ có thể giữ chân, tạo sự gắn bó lâu dài của người lao đông khi đảm bảo được đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động (trả lương đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo đầy đủ các chế độ BHXH); cũng như luôn quan tâm quan tâm đến đời sống người lao động (có chính sách hỗ trợ về nhà ở, nơi giữ trẻ, hỗ trợ về phương tiện, vé tàu xe cho người lao động về quê đón tết và trở lại làm việc sau tết); các khoản thưởng cuối năm xứng đáng với đóng góp của người lao động.
Điều đó không chỉ góp phần đảm bảo cuộc sống cho người lao động mà còn khiến họ có tình cảm, yên tâm, gắn bó lâu dài với dài với doanh nghiệp.
Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS
Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…
Khúc Thị Thu – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế,... hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.
Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,....
Trần Mai Hương – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Thu là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...