Thế kỷ 21 là sự bùng nổ phát triển của nền kinh tế chia sẻ. Những mô hình như Grab hay Airbnb chính là những đại diện nổi bật của nền kinh tế này. Airbnb là viết tắt của cụm từ “ AirBed and Breakfast” là một dịch vụ đặt phòng căn hộ, căn hộ tiện ích. Thông thường khi chúng ta đến một nơi mới, thường có nhu cầu tìm cho mình một chỗ ở an toàn, hợp lý và giá cả phải chăng, tuy nhiên thay vì tự mình đi từng nơi để tìm kiếm, Airbnb sẽ giúp bạn làm điều đó một cách nhanh chóng và cung cấp nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng. Theo thống kê của AirDNA thì Airbnb bắt đầu nở rộ tại Việt Nam vào năm 2010, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh. Mỗi một người chủ nhà (Host) Airbnb tại Việt Nam trung bình kiếm được 645$ mỗi tháng, với giá thuê phòng trung bình là 55$/đêm tương đương với 1.200.000 VND. Airbnb đang giữ tiềm năng lớn trong kinh doanh dịch vụ lưu trữ tại Việt Nam.
Nói một cách đơn giản, mô hình hoạt động của Airbnb giống như mô hình của Grab, là trung gian và thu các khoản phí kết nối giữa những người cho thuê và khách du lịch. Airbnb cung cấp một website dịch vụ riêng , nếu bạn có một phòng trống, một căn hộ hay một Villas…thì bạn hoàn toàn có thể trở thành một Host (chủ nhà) bằng việc đăng ký tài khoản . Bạn có phòng, căn hộ cần cho thuê, công việc của bạn là đăng những thông tin cần thiết về ảnh chụp căn hộ, giá cả cho thuê, địa điểm…lên website của Airbnb, khách du lịch sẽ tìm kiếm những địa điểm mà họ cho là phù hợp để đăng ký thuê, tất cả việc thanh toán sẽ được thực hiện thông qua kinh doanh Airbnb. Airbnb thu một khoản phí đối với cả người cần đặt phòng và chủ nhà ngoài mức giá niêm yết. Khoản phí đối với chủ nhà ở mức 3% tổng giá trị đặt phòng, còn mức phí thu khách du lịch ở mức 6-12%, mức phí này sẽ hiển thị luôn trong quá trình khách sử dụng dịch vụ.
Nhìn chung, kinh doanh Airbnb là loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trữ có điều kiện, nên nếu bạn là chủ nhà và muốn kinh doanh Airbnb cần đáp ứng các điều kiện theo nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh dịch vụ Airbnb cần được đăng ký cấp phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cá nhân chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau:
“a) Đối với người Việt Nam:
Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.
Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.
Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú” (điều 7 nghị định 96/2016/NĐ-CP)
Ngoài ra cơ sở kinh doanh phải đáp ứng đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Cơ sở kinh doanh Airbnb cũng cần có phương án đảm bảo an ninh, trật tự.”
Cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có trách nhiệm:
“1. Ban hành nội quy quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc.
2. Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu; Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài); các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp.
Khi khách lưu trú không có giấy tờ tùy thân thì sau khi bố trí vào phòng nghỉ phải thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an quản lý địa bàn.
3. Ghi đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý (hoặc nhập đầy đủ thông tin vào máy tính) trước khi cho khách vào phòng nghỉ.
4. Thông báo cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi quản lý địa bàn đối với khách lưu trú là người Việt Nam và khai báo tạm trú đối với khách lưu trú là người nước ngoài (nghỉ qua đêm hoặc nghỉ theo giờ) phải thực hiện trước 23 giờ trong ngày. Trường hợp khách đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo trước 08 giờ sáng ngày hôm sau. Việc thông báo thực hiện theo các hình thức sau:
a) Đối với khách lưu trú là người Việt Nam, nếu cơ sở kinh doanh đã kết nối mạng Internet với cơ quan Công an thì việc thông báo thực hiện qua mạng Internet; nếu cơ sở kinh doanh chưa kết nối mạng Internet thì thông báo trực tiếp tại cơ quan Công an hoặc thông báo qua điện thoại;
b) Đối với khách là người nước ngoài, cơ sở kinh doanh phải ghi mẫu Phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến cơ quan Công an.
5. Kiểm tra và quản lý giấy tờ tùy thân của người đến thăm khách lưu trú tại phòng nghỉ, ghi đầy đủ thông tin vào sổ và trả lại giấy tờ tùy thân khi họ ra khỏi cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.
6. Lưu trữ thông tin của khách lưu trú và thông tin của người đến thăm khách lưu trú tại phòng nghỉ trong thời hạn ít nhất 36 tháng.
7. Trường hợp khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phải yêu cầu xuất trình giấy phép sử dụng do cơ quan Công an hoặc Quân đội cấp, nếu khách không xuất trình giấy phép sử dụng phải báo ngay cho cơ quan Công an.”
Pháp luật có yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú như Airbnb thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với:
- “Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 5%
- Tỷ lệ % để tính thuế TNDN trên doanh thu được hưởng là 5%” ( công văn số 848/BTC-TCT quy định chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến)
Kèm theo đó là Thông tư số 103/2014/TT-BTC quy định về cơ sở lưu trú ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài trong trường hợp khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú tại Việt Nam hoặc cơ sở lưu trú thông báo cho nhà thầu nước ngoài biết nghĩa vụ thuế và khai, nộp thuế nhà thầu thay cho nhà thầu nước ngoài nếu khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho nhà thầu nước ngoài sau đó nhà thầu nước ngoài chuyển tiền phòng cho cơ sở lưu trú.
Pháp luật Việt Nam luôn tạo điều kiện hoạt cho những loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú như Airbnb. Hơn thế với những ưu điểm như giá thuê phòng rẻ hơn nhưng chất lượng dịch vụ vẫn rất tốt cùng những trải nghiệm mới lạ, kinh doanh Airbnb ngày càng được nhiều người lựa chọn để đặt phòng thay vì ngủ nghỉ ở khách sạn. Người chủ sử dụng dịch vụ Airbnb có thể hoàn toàn yên tâm vì việc đăng kí tài khoản Airbnb không mất chi phí và việc tìm kiếm khách hàng dễ dàng thuận lợi hơn.