Tình huống pháp lý:
Công dân xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương gửi ý kiến đến Văn phòng Luật sư TGS, nêu sự việc:
Nhà máy sản xuất nước sinh hoạt tại xã này là công trình được xây dựng từ kinh phí do UNICEF tài trợ. Thế nhưng, UBND xã thông báo với nhân dân rằng “do ông Vinh (chủ nhiệm HTX nước sinh hoạt) đầu tư”. Đến khi nhà máy nước đi vào hoạt động, để hoàn thiện và nâng công suất cho nhà máy nước, UBND tỉnh đã hỗ trợ số tiền 2 tỷ 800 triệu đồng. Để được dùng nước sinh hoạt, mỗi hộ dân lại phải đóng từ 1,3 đến 1,8 triệu đồng (xã có hơn 3.000 hộ dân). Người dân đã rất nhiều lần yêu cầu công khai, minh bạch dự án nhưng không được giải quyết.
Sau khi nhà máy cấp nước sạch hoạt động được 2 năm, UBND xã đã bán nhà máy nước cho ông Nguyễn Khắc Dương và bà Nguyễn Thị Huyền với giá 4,5 tỷ đồng. Người dân rất bức xúc, thắc mắc, yêu cầu UBND xã trả lời bà con: Việc bán nhà máy nước có đúng hay không? Ai được quyền bán? Thủ tục bán như thế nào, có công khai, minh bạch, đúng giá trị hay không… Do chính quyền xã không trả lời được nên người dân đã gửi đơn và kiến nghị lên UBND huyện, UBND tỉnh. Ngày 5/4/2018, UBND tỉnh có văn bản số 990/UBND-VP yêu cầu UBND huyện trả lời công dân.
Ngày 27/5/2018, UBND huyện Kim Thành ra Thông báo số 807/TB-UBND “Trả lời ý kiến và kiến nghị của công dân xã Cổ Dũng”. Thông báo này kết luận hầu hết việc làm của UBND xã Cổ Dũng trong quá trình thực hiện dự án nhà máy nước là “không đúng”, nhưng điều mà người dân trông chờ nhất: xử lý những việc làm “không đúng” ấy như thế nào, giải quyết hậu quả ra sao, thì có vẻ như UBND huyện lại… “lờ” đi(?).
Đề nghị Công ty Luật TGS bình luận tình huống này dưới góc nhìn pháp lý.
Luật sư trả lời:
Công trình Trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Cổ Dũng, theo UBND huyện Kim Thành, là công trình do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm) làm chủ đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh Hải Dương. Từ khi nhận bàn giao từ Trung tâm (tháng 11/2004), UBND xã Cổ Dũng chỉ quản lý tài sản; việc vận hành hoạt động trạm cấp nước do Tổ quản lý nước sạch thực hiện; tiếp đó, từ tháng 10 năm 2005, do HTX dịch vụ nước sinh hoạt Cổ Dũng (ông Nguyễn Khắc Vinh làm chủ nhiệm) thực hiện.
Ngày 4/11/2011, UBND xã ký hợp đồng giao vốn – tài sản cho HTX quản lý và sử dụng 20 năm; HTX chuyển cho UBND xã số tiền 520 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 11/8/2012, Đại hội bất thường HTX bầu ông Nguyễn Khắc Dương làm chủ nhiệm thay ông Nguyễn Khắc Vinh, tiến hành kiểm kê tài sản và giao nhận tài sản giữa chủ nhiệm cũ và chủ nhiệm mới.
1. Về việc UBND xã thu số tiền 520 triệu đồng từ HTX khi ký hợp đồng giao vốn:
Đây là việc làm trái pháp luật, trái quy định tại Điểm b, Điều 6 Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
“Việc chuyển giao hoặc giao khoán, cho thuê hoặc bán phần tài sản thuộc sở hữu nhà nước, do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định”. Đáng chú ý hơn, Thông báo số 807/TB-UBND của UBND huyện Kim Thành kết luận: “UBND xã Cổ Dũng ký hợp đồng giao khoán tài sản cho HTX nước sinh hoạt Cổ Dũng với thời hạn 20 năm là không đúng theo quy định về các khoản được thu theo Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn”.
Tuy nhiên, xử lý việc làm “không đúng” này như thế nào, giải quyết hậu quả của nó ra sao thì không thấy UBND huyện Kim Thành nói đến trong Thông báo số 807/TB-UBND, trong khi tại Khoản 1 Điều 68, Luật Ngân sách Nhà nước đã quy định rất nghiêm: “Những khoản thu không đúng quy định của pháp luật phải được hoàn trả tổ chức, cá nhân đã nộp”.
2. Về sự việc ngày 11/8/2012, Đại hội bất thường HTX dịch vụ nước sinh hoạt Cổ Dũng bầu ông Nguyễn Khắc Vinh làm chủ nhiệm thay ông Nguyễn Khắc Vinh, tiến hành kiểm kê tài sản và giao nhận tài sản giữa chủ nhiệm cũ và chủ nhiệm mới:
Căn cứ Thông tư số 14/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung: UBND cấp tỉnh giao công trình cho doanh nghiệp (không quy định giao cho HTX quản lý) gồm:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn,
+ Công ty cổ phần,
+ Công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân quản lý.
Đặc biệt, “Đối với doanh nghiệp không phải 100% vốn nhà nước:
+ Phải nhận nợ với Nhà nước
+ Có trách nhiệm hoàn trả số tiền nhận nợ theo phương thức và thời hạn quy định tại Quyết định giao công trình cho đơn vị quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Sau khi hoàn trả hết số tiền nhận nợ với Nhà nước thì công trình thuộc tài sản của doanh nghiệp; doanh nghiệp thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình theo quy định của pháp luật có liên quan” (Điểm b khoản 3 Điều 14 Thông tư số 14/2013/TT-BTC).
3. Trách nhiệm của UBND xã Cổ Dũng:
Đối chiếu với các quy định nêu trên, có thể thấy UBND xã Cổ Dũng có rất nhiều việc làm trái pháp luật trong quản lý, giao khoán Trạm cấp nước, thu và sử dụng tiền ngân sách một cách tùy tiện, cần phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật (hoàn trả tiền cho tổ chức, cá nhân đã nộp và UBND xã thu không đúng quy định).
Bên cạnh đó, cần phải tổ chức lại Trạm cấp nước theo đúng quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính (UBND tỉnh quyết định giao công trình cấp nước cho doanh nghiệp quản lý; doanh nghiệp có trách nhiệm nhận nợ theo phương thức và thời hạn quy định tại quyết định của UBND tỉnh…
__________
Nguyễn Chấn
Luật gia – Chuyên viên cao cấp
Hãng Luật TGS LawFirm
Địa chỉ: Số 09, Ngách 6A – Ngõ 6 – Phạm Văn Đồng, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Hotline: 1900.8698.
Email: contact@newvisionlaw.com.vn