Bộ luật Tố Tụng dân sự 2015 dành hẳn một chương – Chương VIII , bao gồm 32 điều luật ( từ điều 111 đến điều 142) để quy định về “các biện pháp khẩn cấp tạm thời” đủ thấy tầm quan trọng của chế định này. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho Toà án trong việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đáp ứng yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án.

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời đúng như tên gọi của nó vừa mang tính khẩn cấp, vừa mang tính tạm thời. Tính khẩn cấp được thể hiện ở chỗ tòa án phải ra quyết định áp dụng ngay và quyết định này được thực hiện ngay sau khi được tòa án quyết định áp dụng. Tính tạm thời của biện pháp này được thể hiện ở chỗ, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa phải là quyết định cuối cùng về giải quyết vụ việc dân sự. Sau khi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nếu lý do của việc áp dụng không còn nữa thì tòa án có thể hủy bỏ quyết định này. Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của người bị áp dụng. Do đó để đảm bảo việc áp dụng đúng đắn, tòa án phải xem xét thận trọng trước khi quyết định áp dụng và phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Tại Điều 114 Bộ luật Tố Tụng dân sự năm 2015 đã quy định 17 biện pháp khẩn cấp tạm thời, từ đó Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Hãng Luật TGS LawFilm đã đưa ra quan điểm của mình về từng biện pháp. Cụ thể :
1. “Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục”. Như vậy, có thể thấy so với Bộ luật Tố Tụng dân sự năm 2004 thì tại khoản quy định vấn đề này Bộ luật Tố Tụng dân sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với cả “người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”. Đây là một điểm tiến bộ, bởi với chế định này pháp luật đã quan tâm, bảo vệ đủ nhóm người yếu thế khi họ không có người giám hộ. Việc giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ họ bởi những xâm hại về quyền và lợi ích cũng như đảm bảo cho họ một môi trường phát triển bình thường về thể chất, tinh thần.
2. “Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng”: Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và nếu không thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người được cấp dưỡng. Các đối tượng cần được cấp dưỡng là các đối tượng không có khả năng tự đảm bảo cuộc sống bình thường về vật chất nên phụ thuộc vào sự chu cấp của người khác. Vì vậy việc cấp dưỡng là cần thiết để đảm bảo đời sống cho người được cấp dưỡng, mặt khác giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra còn góp phần giảm bớt thiệt thòi rủi ro cho người được nhận cấp dưỡng trong trường hợp người cấp dưỡng có ý định trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
3. “Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm”. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và cần thiết. Hành vi trái pháp luật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác dẫn tới nhiều hậu quả: bản thân người bị thiệt hại không thể đảm bảo được cuộc sống bình thường của mình (không có khả năng lao động để có thu nhập nuôi sống bản thân trong thời gian điều trị, không có chi phí cho việc điều trị…); người cần được cấp dưỡng khi người bị thiệt hại là người thân của họ đã chết, gặp khó khăn trong cuộc sống ,sinh hoạt nên cần phải có sự đáp ứng về mặt vật chất…Xuất phát từ những lý do này, việc pháp luật quy định biện pháp khẩn cấp tạm thời này là rất cần thiết và hợp lý để người bị thiệt hại cũng như những người sống phụ thuộc vào họ có thể khắc phục những thiệt hại về vật chất hoặc có thể là tinh thần xảy ra ngay sau khi có sự việc xâm hại diễn ra, qua đó sớm ổn định được cuộc sống. Ngoài ra việc buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ về bổi thường thiệt hại này còn có vai trò giảm thiểu rủi ro, thiệt thòi cho người được bồi thường trong trường hợp người có trách nhiệm bồi thường có ý định trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường.
4. “Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động”. Biện pháp này nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách cho đương sự, hay cụ thể ở đây là cho người lao động, góp phần giúp người lao động khắc phục những khó khăn xảy ra do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Đồng thời còn buộc người sử dụng lao động thể hiện trách nhiệm của họ đối với người lao động. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
5. “Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động”. Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải người lao động được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải người lao động và xét thấy quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải người lao động là trái pháp luật hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Biện pháp này nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách cho đương sự mà ở đây cụ thể là người lao động. Tạo cơ hội cho người lao động có thể tiếp tục làm việc kiếm thêm thu nhập ổn định cuộc sống cho bản thân họ cũng như người sống phụ thuộc vào họ. Mặt khác hạn chế sự lạm dụng quyền của người sử dụng lao động trong việc ra quyết định sa thải người lao động. 
6. “Kê biên tài sản đang tranh chấp”: Theo quy định của pháp luật, kê biên tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản. Ý nghĩa: Khi tranh chấp chưa được giải quyết, tài sản tranh chấp vẫn có thể được định đoạt bằng các hình thức khác nhau. Nếu tài sản bị kê biên, tài sản đó không thể được định đoạt- nói cách khác tài sản đó sẽ bị hạn chế quyền định đoạt. Đồng thời việc kê biên tài sản đang tranh chấp nhằm xác định giá trị tài sản đang tranh chấp qua đó xác định trách nhiệm của đương sự. Mặt khác, tránh các hành vi tẩu tán tài sản, hủy hoại tài sản qua đây góp phần loại bỏ các hành vi xâm phạm hoặc hủy hoại chứng cứ, bảo vệ được chứng cứ..Tuy nhiên, theo quy định hiện nay thì chỉ áp dụng đối với tài sản đang bị tranh chấp còn đối với các tài sản khác thì không được áp dụng. Điều này cho thấy phạm vi áp dụng của biện pháp này là rất hẹp dẫn đến hiệu quả của biện pháp này chưa cao. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của biện pháp này pháp luật tôi đưa ra ý kiến cần quy định mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này cho tất cá các tài sản của đương sự chứ không chỉ thu hẹp trong phạm vi tài sản đang tranh chấp.
7. “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp”. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.Tài sản đang tranh chấp có thể được chuyển dịch thông qua các hình thức mua bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, cho thuê… Nếu chuyển dịch quyền về tài sản sẽ gây khó khăn cho Tòa án khi giải quyết tranh chấp, đồng thời gây thiệt hại cho đương sự hoặc người thứ ba.Vì vậy pháp luật quy định biện pháp này là BPKCTT là cần thiết và hợp lý nhằm mục đích loại bỏ các hành vi tẩu tán tài sản, qua đó bảo toàn được tình trạng của tài sản, tránh việc gây thiệt hại không thể khắc phục được, giữ được tài sản bảo đảm cho việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án sau này,góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp cho đương sự .Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật quy định biện pháp này cũng chỉ áp dụng cho tài sản đang tranh chấp còn những tài sản không tranh chấp thì không được áp dụng. Điều này đã hạn chế phần nào hiệu quả của biện pháp. Để áp dụng biện pháp này có hiệu quả tốt nhất nên quy định theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng của biện pháp đối với cả những tài sản không phải là tài sản đang tranh chấp.
8. “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp”. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó. Thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp có thể gây khó khăn cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án, tính chất vụ án, giá trị tài sản tranh chấp có thể bị thay đổi (tăng hoặc giảm)…Vì vậy, việc quy định biện pháp này nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, chính xác nhất. Cũng giống với BPKCTT cấm chuyển dịch quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp thì BPKCTT cấm thay đổi hiện trạng tài sản cũng mang vai trò là BPKCTT cần thiết và hợp lý nhằm mục đích loại bỏ các hành vi tẩu tán tài sản, qua đó bảo toàn được tình trạng của tài sản, tránh việc gây thiệt hại không thể khắc phục được, giữ được tài sản bảo đảm cho việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án sau này. Qua đây cũng góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Tuy nhiên, có rất nhiều những trường hợp mà đương sự trong vụ án chỉ có một tài sản duy nhất là tài sản đang có tranh chấp, hoàn cảnh sống thuộc mức khó khăn thì việc thực hiện biện pháp bảo đảm là khó. Pháp luật cần phải quy định rõ những trường hợp như vậy, quy định cụ thể về những trường hợp mà đương sự yêu cầu có thể được miễn vấn đề đảm bảo hoặc thay thế bằng những biện pháp khác.
9. “Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác”. Biện pháp này được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có tài sản đang tranh chấp hoặc liên quan đến tranh chấp mà có hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác ở thời kỳ thu hoạch hoặc không thể bảo quản được lâu dài.Tài sản đang tranh chấp, có liên quan đến tranh chấp có thể cần được xử lý ngay vì tính chất của tài sản đó (bị hư hỏng nếu không sử dụng, không thể sử dụng , không thể sử dụng được nếu để quá một thời hạn nhất định… Biện pháp này là vô cùng cần thiết, nhằm đảm bảo nhu cầu cấp bách của đương sự.
10. “Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ”. Biện pháp này được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.Việc quy định biện pháp này nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, chính xác nhất. Loại bỏ được trường hợp đương sự rút tiền nhằm tẩu tán tài sản gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án cũng như bảo đảm cho việc thi hành án. Cũng giống như những biện pháp trên biện pháp này nhằm giải quyết các nhu cầu cấp bách của đương sự và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 133 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thì khi áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài khoản ở nơi gửi giữ thì chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Quy định này gây khó khăn, phức tạp cho việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì người yêu cầu phải chứng minh tài sản đề nghị phong tỏa có giá trị là bao nhiêu để xác định nó tương đương với nghĩa vụ và việc chứng minh đó phải dựa trên cơ sở pháp lý là thẩm định giá hoặc định giá chứ không thể bằng trực quan.
11. “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ”. Biện pháp này được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án. Biện pháp này nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tránh trường hợp đương sự có nghĩa vụ tẩu tán tài sản gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án cũng như việc thi hành án. Áp dụng biện pháp này góp phần giúp Tòa án giải quyết vụ án được khách quan và chính xác nhất.Tuy nhiên, quy định này chưa thật sự rõ ràng, bởi chỉ đề cập tới áp dụng trong trường hợp người có nghĩa vụ có tài sản mà không chỉ rõ tài sản này là tài sản như thế nào, có thuộc đối tượng tranh chấp hay không . Các quy định trên không thực sự rõ ràng gây khó khắn cho đương sự khi thực hiện quyền yêu cầu áp dụng BPKKTT dẫn tới yêu cầu ADBPKKTT không được Tòa án chấp nhận.

12. “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”. Biện pháp này được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thực hiện hoặc không thực hiện một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết.Việc quy định biện pháp này nhằm tránh cho đương sự thực hiện một số hành vi có thể gây ảnh hưởng hoặc tác động xấu đến chứng cứ hoặc những tình tiết có liên quan đến vụ án qua đó bảo đảm cho việc giải quyết vụ án khách quan và chính xác tiến đến vai trò quan trọng đó là bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cùng những người có liên quan khác.
13. “Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ”. Đây là một quy định mới, là một trong bốn biện pháp được bổ sung trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 , xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Trước đây, khi giải quyết yêu cầu của đương sự về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với một bên đương sự để đảm bảo việc giải quyết vụ án và thi hành án, tòa án có thể ban hành quyết định cấm xuất cảnh đối với đương sự. Đây là hình thức áp dụng Điều 115 BLTTDS năm 2004 “Cấm đương sự thực hiện một số hành vi nhất định”. Rõ ràng quy định này là chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn cho tòa án trong việc cấm đương sự xuất cảnh khi giải quyết các vụ án dân sự. Do đó, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ vào biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ được áp dụng nếu có căn cứ cho thấy, việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án. Quy định này để tránh việc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
14. “Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình”. Đây là một quy định mới trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, một biện pháp được áp dụng khi cần thiết để ngăn chặn nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của nạn nhân bạo lực gia đình. Đồng thời, việc bổ sung quy định mới này trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, thể hiện rõ chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân trong gia đình và xã hội.
15. “Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu”. Tạm dừng việc đóng thầu, phê duyệt danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng được áp dụng nếu quá trình giải quyết vụ án cho thấy việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
16. “Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án”. Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu bay để bảo đảm giải quyết vụ án dân sự mà vụ án đó do chủ sở hữu tàu bay, chủ nợ trong trường hợp tàu bay là tài sản bảo đảm, người bị thiệt hại do tàu bay đang bay gây ra hoặc người có quyền, lợi ích liên quan đối với tàu bay khởi kiện theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam.Đây cũng là một quy định mới của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
17. “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định”. Ngoài các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 16 Điều 114 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án có trách nhiệm giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác do luật khác quy định. Đây là một quy định mở,rất cần thiết nhằm san lấp những kẻ hở của pháp luật mà chưa lường trước được bởi với sự thay đổi ngay một khác của xã hội trong thực tế có những tình huống, trường hợp chưa dự liệu trước được .
Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là rất cần thiết trong thực tế bởi những biện pháp này có tầm quan trọng lớn trong các vụ án dân sự, vừa đảm bảo quyền lợi cho nhóm người yếu thế, cần được bảo vệ, vừa ngăn chặn được những hành vi tẩu tán tiêu hủy tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ hoặc những hành vi khác nhằm cản trở công tác điều tra thu thập chứng cứ và thi hành án của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bản chất của các giao dịch dân sự là tự nguyện, tự do, tự thỏa thuận theo ý chí của mình, tuy nhiên có nhiều trường hợp các bên trong quan hệ pháp luật dân sự có hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên còn lại, do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa án, nhưng phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án. Chính vì thế, việc đương sự yê cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng là một phương pháp hữu hiệu để bảo toàn tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc. Vì sự cần thiết của những biện pháp khẩn cấp tam thời trong tố tụng dân sự nên những quy định pháp luật về BPKCTT cần phải hoàn thiện hơn nữa để góp phần giải quyết vụ án một cách thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.