Câu hỏi:
Tôi là Viên chức, giới tính Nam, Hộ khẩu thường trú tại huyện đồng bằng đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn (Từ nhà đến nơi công tác 70 Km). Tôi bắt đầu nhận công tác tại TYT xã thuộc xã khó khăn miền núi từ năm 2007. Đến 2017, xã tôi được công nhận xã đặc biệt khó khăn được hưởng mọi chế độ chính sách theo Nghị định 116/2019 của Thủ tướng chính phủ (nay là Nghị định 76/2019 thay thế Nghị định 116/2011). Tuy nhiên từ đó đến nay, trợ cấp lần đầu tôi không được hưởng, cơ quan chủ quản giải thích vì tôi đã công tác ở trong vùng đặc biệt khó khăn trước ngày Nghị định 116/2011 ra đời và có hiệu lực. (Trước năm 2011) Vấn đề này tôi xin phép hỏi:
1/. Tôi có được hưởng trợ cấp lần đầu theo khoản 1, điều 6 Nghị định 76/2019, trước đây là Nghị định 116/2011 không?
2. Tôi có được hưởng Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo khoản 1 điều 10 Nghị định 76/2019 không?
Trả lời:
1/. Tôi có được hưởng trợ cấp lần đầu theo khoản 1, điều 6 Nghị định 76/2019, trước đây là Nghị định 116/2011 không?
Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến cấp xã là một trong những nhóm đối tượng khi nhận công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng hay trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo những quy định tại Điều 6 của Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 và được thay thế bằng Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ.
Tại Điều 2 và Điều 6 Nghị định 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được quy định như sau: “trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.” Trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp: “a) Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi tính theo giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức khoán trên cơ sở số kilômét đi thực tế nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông thường (tàu, thuyền, xe ô tô khách); b) Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.”
Tại Khoản 1 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.” Theo quy định này, các Nghị định số 116/2010/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2011) và Nghị định số 76/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/12/2019) đều không có quy định về việc được hưởng trợ cấp trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng hay trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đối với các trường hợp nhận công tác trước ngày các Nghị định nêu trên có hiệu lực. Do đó, bạn đã nhận công tác về xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ năm 2007 nên sẽ không thuộc đối tượng được hưởng các khoản trợ cấp nêu trên.
2. Tôi có được hưởng Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo khoản 1 điều 10 Nghị định 76/2019 không?
Nếu bạn được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm từ ngày 01/12/2019 trở về sau, thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể: “Trường hợp được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm thì được hỗ trợ tiền mua tài liệu học tập và hỗ trợ 100% tiền học phí, chi phí đi lại từ nơi làm việc đến nơi học tập”
Nguồn: https://luatvietnam.vn/luat-su-tu-van/dieu-kien-huong-tro-cap-lan-dau-va-tro-cap-chuyen-vung-129476-faqs.html