Trong cuộc sống thường ngày, có không ít vướng mắc, tranh chấp mà các bên không tự giải quyết được, phải nhờ đến sự phán xử của tòa án:
Băng:
- Cháu nhà tôi có gửi đơn ly hôn từ tháng 10 năm ngoái, nhận đơn thì bảo bao giờ có giấy của tòa thì lên.
- Ông chú mất 1960, 1986 thím mất, năm ngoái cô thứ 2 và ông rể kiện đòi chia đất, bà thím mất 33 năm rồi, sổ đỏ có tên hết rồi giờ quay lại đòi chia có được không?
Vậy thủ tục khởi kiện một vụ án dân sự là như thế nào? Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS sẽ cùng chúng ta tìm hiểu trong chương trình hôm nay.
– Khách mời chào thính giả
– BTV: Thưa luật sư, thường thì ly hôn sẽ phải ra tòa, tranh chấp đất đai mà không hòa giải được cũng ra tòa. Vậy cụ thể những tranh chấp, những vụ việc nào tòa sẽ thụ lý giải quyết? Có khi nào tòa từ chối giải quyết không, thưa luật sư? Vì có thính giả gọi điện đến chương trình cho biết họ gửi đơn lên UBND thì UBND bảo khởi kiện ra tòa mà gửi đơn ra tòa thì tòa bảo vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND?
– Khách mời:
Các tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được liệt kê chi tiết tại các Điều 26, Điều 28, Điều 30 và Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và được chia thành 04 nhớm chính, bao gồm:
– Các tranh chấp về dân sự (Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản; tranh chấp về thừa kế tài sản; tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự; tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.v.v..)
– Các tranh chấp về hôn nhân, gia đình (ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn; tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.v.v..);
– Các tranh chấp về kinh doanh, thương mại (Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; Tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.v.v..)
– Các tranh chấp về lao động (Các tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.v.v..)
Đối với các tranh chấp dân sự, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền, để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đây là nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng dân sự và quyền của đương sự được ghi nhận tại các Điều 4, Điều 5 và Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Tòa án không có quyền từ chối giải quyết các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và có đủ điều kiện thụ lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Tòa án cũng có quyền từ chối giải quyết và trả lại đơn khởi kiện khi có một trong các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như: Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định, hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật; sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án được quyền khởi kiện lại theo quy định; Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.v.v..
– BTV: Vậy nộp đơn ra tòa, người dân sẽ phải nộp thêm những giấy tờ gì hay, thưa luật sư? Vì chúng tôi thấy một nguyên tắc của tố tụng dân sự là đương sự phải tự chứng minh cho các yêu cầu của mình.
– Khách mời:
Đúng như vậy, trừ một số rất ít các trường hợp người khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh, thì theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”.
Tại Khoản 5, Điều 189, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định: “Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.”
– BTV: Chúng tôi có nhận được một lá thư của thính giả nêu băn khoăn như sau:
Box: Năm 1999 bố mẹ tôi có cho một người bạn mượn 6 lượng vàng, khi mượn có giấy viết tay và sổ đỏ thế chấp với thời hạn là 3 năm trả hết gốc và lãi.Nhưng họ không thực hiện theo những gì đã thỏa thuận giữa hai bên. Đến năm 2010 họ vẫn không trả lại tiền, bố mẹ tôi làm đơn kiện lên tòa án, tòa không thụ lý vì lý do đã hết thời hạn khởi kiện.
– BTV: Thưa luật sư, vậy thời hiệu khởi kiện các tranh chấp dân sự được quy định như thế nào? Với vụ việc đòi tiền của gia đình thính giả vừa rồi, liệu có thể áp dụng quy định của Nghị quyết số 03/2012 là không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự hay không?
– Khách mời:
Vụ việc mà thính giả nêu là tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vay tài sản. Khi bố mẹ thính giả nộp đơn khởi kiện vào năm 2010 thì Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện, với lý do hết thời hiệu khởi kiện là phù hợp với quy định tại Điều 427 Bộ luật dân sự năm 2005 (Bộ luật đang có hiệu lực vào thời điểm đó), theo đó: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.”
Hiện nay, Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.” Nếu đối chiếu với quy định này, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự đòi tiền cho vay của bố mẹ thính giả cũng đã hết, vì tính từ khi kết thúc thời hạn trả nợ cho đến nay cũng vào khoảng 18 năm.
Cho đến nay, nếu bố mẹ thính giả có khởi kiện lại thì cũng sẽ không thuộc trường hợp được áp dụng Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Bởi vì, các quy định về thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011 và được hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã hết hiệu lực thi hành. Tại Khoản 4 Điều 4 Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định: “Từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.”
– BTV: Sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện bao nhiêu lâu thì tòa án sẽ tiến hành xét xử, thưa luật sư?
– Khách mời:
Nếu chúng ta tính cả thời gian tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, thời gian sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, thời gian nộp tiền tạm ứng án phí, thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn mở phiên tòa và thời gian ra hạn của các thời hạn trên (nếu có), thì thời gian từ khi nhận đơn khởi kiện cho đến ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm tối đa sẽ vào khoảng 10 tháng (đối với các vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân, gia đình) và khoảng 07 tháng (đối với các vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại và tranh chấp lao động)
Tuy nhiên, nếu vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết theo quy định tại Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử có thể bị kéo dài hơn, phụ thuộc vào thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án dài hay ngắn. Khi vụ án bị tạm đình chỉ được tiếp tục giải quyết thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự cũng có thể bị hoãn hoặc bị tạm dừng trong các trường hợp luật định. Như vậy, rất nhiều các tình tiết có thể xảy ra, làm kéo dài quá trình giải quyết vụ án dân sự.
– BTV: Một vấn đề mà không ít thính giả băn khoăn khi nộp đơn khởi kiện đó là vấn đề án phí và tạm ứng án phí:
Băng: Em muốn hỏi trong luật dân sự về đất đai có khoản tiền tạm ứng án phí không? Cái phí này nộp kho bạc hay nộp ngân hàng?
– BTV: Vậy cụ thể án phí một vụ án dân sự sẽ tính như thế nào? Người nộp đơn khởi kiện phải nộp án phí hay người bị kiện phải nộp án phí, thưa luật sư?
– Khách mời:
Tại Khoản 1 Điều 146, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: nguyên đơn (người khởi kiện) sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm; bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm khi họ có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn; và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đối với các yêu cầu của mình, trừ trường hợp họ được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Tùy thuộc vào kết quả giải quyết vụ việc, Tòa án sẽ quyết định về nghĩa vụ chịu tiền án phí đối với các đương sự trong bản án hoặc quyết định giải quyết vụ việc. Nếu yêu cầu của đương sự được Tòa án chấp nhận toàn bộ hoặc một phần, thì họ sẽ không phải chịu án phí sơ thẩm đối với toàn bộ hoặc tương ứng với phần yêu cầu của họ đã được Tòa án chấp nhận. Ngược lại, theo quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đương sự sẽ phải chịu toàn bộ hoặc một phần án phí sơ thẩm, tương ứng với toàn bộ hoặc một phần yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, hoặc khi Tòa án chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu của các đương sự khác đối với họ, thì họ cũng sẽ phải chịu án phí sơ thẩm, tương ứng với toàn bộ hoặc một phần yêu cầu đó. Nếu đương sự không phải nộp tiền án phí mà trước đó đã nộp tiền tạm ứng án phí thì họ sẽ được trả Tòa án tuyên lại khoản tiền này.
Về các loại án phí và mức án phí dân sự cho từng vụ việc được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, theo đó: Án phí dân sự bao gồm: Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch (sẽ được ấn định một mức án phí cụ thể, đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động là 300.000 đồng, còn đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại là 3.000.000 đồng); Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch (sẽ phụ thuộc vào giá trị tranh chấp); Và án phí dân sự phúc thẩm (sẽ được ấn định một mức cụ thể, đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động là: 300.000 đồng, còn đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại là: 2.000.000 đồng)
– BTV: Xin cảm ơn luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Video tư vấn được đăng tải trên: http://vov2.vn/cam-tay-chi-luat/luu-y-khi-khoi-kien-vu-an-dan-su-c122-32603.aspx