Quan điểm của Tiến sỹ luật học Lê Ngọc Khánh – Công ty Luật TNHH TGS về một số vấn đề xoay quanh thông tư 38/2019/TT-BGTVT.
1. Từ năm 2020, việc học và thi bằng lái xe sẽ bị siết chặt hơn so với trước đây. Cũng dịp này, hầu hết trung tâm dạy lái xe đều tăng giá, học bằng lái xe từ năm 2020 mất 30 triệu đồng có phải là thông tin chính xác?
Trả lời
Bắt đầu từ ngày 01/12/2019 thông tư 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có hiệu lực.
Theo đó, quy trình đào tạo và cấp giấy phép lái xe sẽ được siết chặt hơn, cụ thể như đối với chương trình đào tạo lái xe hạng B1, B2 và hạng C, người học sẽ bắt buộc phải học thêm nội dung về: Phòng, chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông; tăng thêm thời lượng học lý thuyết, thời gian học thực hành; các cơ sở đào tạo sẽ áp dụng công nghệ để nhận dạng, theo dõi thời gian học lý thuyết môn pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (Trừ bằng B1)…..
Kéo theo đó là việc tăng học phí tại các trung tâm đào tạo bằng lái xe nhằm đáp ứng đúng theo quy định của Thông tư 38/2019/TT-BGTVT. Thực tế tại thời điểm hiện tại, các trung tâm đã bắt đầu thông báo về việc tăng học phí này, nhưng cũng chưa có đơn vị nào tăng học phí lên đến 30 triệu đồng cả.
2. Tại thông tư 38/TT-Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.12.2019 (sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 12/2017 của Bộ GTVT) sẽ siết chặt hơn quy trình đào tạo và cấp giấy phép lái xe ô tô thì nội dung nào có thể sẽ khiến nhiều người hiểu lầm về việc phát sinh tăng học phí, từ đó mới có thông tin tăng học phí bằng lái ô tô. Luật sư bình luận gì về vấn đề này?
Trả lời
Bên cạnh việc siết chặt quy định về đào tạo, sát hạch đối với học viên, thì tại thông tư 38/2019/TT-BGTVT cũng đã có những yêu cầu nhất định đối với các trung tâm đào tạo. Trong đó có quy định:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ
…
12. Khoản 7 và khoản 8 Điều 18 được sửa đổi như sau:
a) Khoản 7 Điều 18 được sửa đổi như sau:
“7. Thực hiện giám sát bằng hệ thống Camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch: Xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc. Hệ thống sử dụng camera IP, có độ phân giải HD trở lên, có giao diện tương tác, kết nối đáp ứng tối thiểu theo tiêu chuẩn mở ONVIF, được đồng bộ về thời gian với máy chủ sát hạch lý thuyết, máy tính điều hành thiết bị chấm điểm thực hành lái xe trong hình; đảm bảo kết nối trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh (dạng video) theo giao thức chuẩn mở sử dụng cho trao đổi dữ liệu hai chiều thời gian thực giữa máy chủ và máy trạm (websocket) về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý, giám sát, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với các Sở Giao thông vận tải và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Dữ liệu hình ảnh (dạng video) giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình phải công khai trực tiếp trên màn hình lắp đặt tại phòng chờ sát hạch và lưu trữ ở trung tâm sát hạch theo quy định. Hệ thống các thiết bị nói trên phải đảm bảo tính bảo mật, ngăn chặn các truy cập trái phép từ bên ngoài và được lắp đặt theo lộ trình quy định tại khoản 4 Điều 47 của Thông tư này.”
b) Bổ sung khoản 8 Điều 18 như sau:
“8. Tiếp nhận, sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông do Tổng cục Đường bộ Việt Nam chuyển giao để sát hạch lái xe theo lộ trình quy định tại khoản 4 Điều 47 của Thông tư này.”
Theo như quy định trên, các trung tâm đào tạo sẽ phải chủ động lắp đặt thêm các trang thiết bị, công nghệ để đáp ứng được yêu cầu. Từ đó dẫn đến phát sinh việc tăng học phí đào tạo như hiện nay.
Tiến sỹ Luật học Lê Ngọc Khánh – Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội thì hiện tại Thông tư 38 của Bộ GTVT không quy định học phí đào tạo lái xe, quy định về mức học phí được điều chỉnh tại Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. Trong thông tư nêu rõ:
“Điều 2. Xây dựng mức thu học phí
….
- Căn cứ vào các quy định về cơ sở vật chất đào tạo lái xe, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên do Bộ Giao thông vận tải ban hành và định mức về tiêu hao nhiên liệu do cơ sở đào tạo lái xe ban hành; chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng giấy phép lái xe chi tiết theo từng học phần báo cáo Bộ chủ quản hoặc cơ quan được ủy quyền (đối với cơ sở đào tạo lái xe trực thuộc các Bộ), báo cáo Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền (đối với cơ sở đào tạo lái xe thuộc địa phương, bao gồm cả các cơ sở ngoài công lập) để theo dõi. Các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về quyết định ban hành mức thu và quản lý học phí của đơn vị. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này; trường hợp cơ sở đào tạo ban hành mức thu và thực hiện thu học phí không đúng quy định, thực hiện xử lý theo quy định.
Như vậy, mức học phí đào tạo lái xe sẽ do các cơ sở đào tạo chủ động điều chỉnh, căn cứ vào thực tế đầu tư vào trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên,…trong quá trình giảng dạy của mỗi trung tâm.
Việc bỏ ra những chi phí lắp đặt thêm trang thiết bị nhận dạng và theo dõi thời gian học, dạy thêm nội dung học,… để đáp ứng theo quy định của thông tư 38/2019/TT-BGTVT sẽ làm phát sinh thêm chi phí, từ đó mức học phí học lái xe từ năm 2020 sẽ cao hơn so với trước đây, nhưng con số cụ thể thì sẽ do tùy trung tâm đào tạo công bố.
Tuy nhiên nếu cơ sở đào tạo ban hành mức thu và thực hiện việc thu học phí không đúng theo quy định thì sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
3. Nếu cơ sở đào tạo ban hành mức thu và thực hiện thu học phí không đúng thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời
Mặc dù giao cho các trung tâm tự định mức học phí trong quá trình đào tạo lấy bằng lái xe, nhưng theo cơ chế thị trường, trung tâm nào tăng quá cao rất dễ bị người học tẩy chay. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ căn cứ vào mức tính toán của trung tâm để xác định mức giá phù hợp. Nếu trung tâm tăng học phí mà không báo cáo, hoặc báo cáo mức học phí không hợp lý sẽ bị xử lý theo quy định.
Tại văn bản hợp nhất số 1307/VBHN-BLĐTBXH giữa Nghị định số 79/2015/NĐ-CP và Nghị định số 15/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như sau:
“Điều 27. Vi phạm quy định về thu, chi tài chính
….
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thu, chi tài chính không đúng quy định.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
- a) Buộc công khai các khoản thu, chi tài chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;
- b) Buộc hoàn trả cho người học số tiền đã thu; trường hợp không hoàn trả được thì nộp vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.”
Các trung tâm đào tạo thi bằng lái xe ô tô cũng là một trong những trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Do đó, trung tâm nào tăng mức học phí không hợp lý, vượt quá quy định cho phép thì có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời buộc hoàn trả cho người học số tiền đã thu, trường hợp không hoàn trả được thì sẽ phải nộp số tiền trên vào ngân sách nhà nước.
Nội dung trả lời của Tiến sỹ Luật học Lê Ngọc Khánh đã được đăng tải trên báo Pháp Luật, xem chi tiết tại: https://baophapluat.vn/tu-van-365/khong-co-chuyen-tang-phi-thi-giay-phep-lai-xe-len-30-trieu-dong-496426.html