Luật sư nói về dự án Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trả lời chưa thực sự thuyết phục
Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng tải bài viết Người dân phản đối Dự án Trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân, thông tin về việc thực hiện dự án Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân (tên giao dịch quốc tế là Spring School) tại ô đất có kí hiệu C2-2/THPT1 thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên do Công ty Cổ phần tập đoàn SSG làm chủ đầu tư sau hơn 7 năm vẫn chưa thể triển khai xây đựng do vướng mắc khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo Văn bản số 4159/STNMT-CCQLĐĐ trả lời anh Nguyễn Đức Thọ cũng như các hộ dân ở phường Bồ Đề. Sở TNMT căn cứ vào Khoản 3, Điều 2, Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 điều chỉnh, bổ sung Khoản 2, Điều 36, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 (quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế): “Sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công cộng bao gồm các công trình giao thông, điện lực, thuỷ lợi, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc, đường ống dẫn xăng dầu, đường ống dẫn khí, giáo dục, đào tạo, văn hoá, khoa học kỹ thuật, y tế, thể dục, thể thao, chợ” và kết luận, dự án này thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2003.Cho rằng dự án nêu trên thuộc dự án nhóm B, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo các quy định của Luật Đất đai năm 2003; Điều 36 Nghị định 181/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ, không đồng tình việc nhà nước thu hồi đất và đền bù với “giá bèo” 1, 53 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp, các hộ dân tại đây đã làm đơn thư kiến nghị gửi các cơ quan chức năng.
Sở TNMT cũng cho biết, dự án này không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo Điều 62, Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, chiếu theo quy định tại Khoản 60, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ thì “Đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013 mà đã lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp vào danh mục dự án cần thu hồi đất để trình Hội đồng nhân dân thông qua trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất. Trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với trường hợp quy định tại khoản này thực hiện theo quy định tại Điều 69 của Luật đất đai 2013”.
Căn cứ vào các Nghị định nêu trên, Sở TNMT Hà Nội kết luận, dự án Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân tại phường Bồ Đề, quận Long Biên thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất.
Văn bản số 4159/STNMT-CCQLĐĐ trả lời anh Nguyễn Đức Thọ cũng như các hộ dân ở phường Bồ Đề.
Bởi lẽ, văn bản này có viện dẫn quy định tại Khoản 3 Điều 2 của Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2016 của Chính phủ, để khẳng định Dự án Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành.Tuy nhiên, qua trao đổi, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TGS (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bản số 4159/STNMT-CCQLDĐ đề ngày 30/05/2017 là chưa thực sự thuyết phục.
Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 40 Luật Đất đai năm 2003 đã quy định: “Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ.”
Mặt khác, Khoản 3 Điều 2 của Nghị định số 17/2006/NĐ-CP cũng quy định các công trình về “giáo dục, đào tạo” thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất phải là các công trình “phục vụ công cộng”.
Cụ thể như sau: “Sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công cộng bao gồm các công trình giao thông, điện lực, thuỷ lợi, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc, đường ống dẫn xăng dầu, đường ống dẫn khí, giáo dục, đào tạo, văn hoá, khoa học kỹ thuật, y tế, thể dục, thể thao, chợ”.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Nếu dự án không thỏa mãn hai điều kiện nêu trên thì sẽ thuộc trường hợp chủ đầu tư phải thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai năm 2003 và Khoản 6 Điều 36 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ.Do đó, Luật sư Hùng khẳng định, dự án Xây dựng trường trung học phổ thông chất lượng cao Mùa Xuân chỉ thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế theo quy định tại Điều 40 Luật Đất đai năm 2003 và Khoản 2 Điều 36 Nghị định 181/2004/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ, khi thỏa mãn 02 điều kiện: Là dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ và phải phục vụ công cộng.
Dự án phục vụ mục đích kinh doanh, không vì lợi ích công cộng
Bên cạnh đó, Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 36, Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ, thì việc “sử dụng đất để xây dựng các công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh” mới thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích vì lợi ích công cộng.
Do đó, Luật sư Hùng khẳng định, nếu Dự án Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân là có mức học phí rất cao, lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đem lại lợi nhuận rất cao cho chủ đầu tư thì đây phải được coi là dự án nhằm mục đích kinh doanh, không phải là dự án vì lợi ích công cộng theo quy định tại Điều 39 Luật Đất đai năm 2003 và Khoản 1 Điều 36 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
Còn hiện nay theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 hiện hành, dự án này cũng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Do đó, Luật sư Hùng cho biết, nếu dự án Dự án Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân là dự án nhằm mục đích kinh doanh, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà lại được áp dụng cơ chế này thì không chỉ trái với quy định của pháp luật mà còn có thể ảnh hưởng rất lớn đến các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của những người có đất bị thu hồi.Theo Luật sư Hùng, việc áp dụng quy định Nhà nước thu hồi đất hay quy định chủ đầu tư phải thỏa thuận với người sử dụng đất có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân. Bởi vì, những quyền lợi mà người sử dụng đất nhận được khi áp dụng quy định về việc chủ đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất có thể sẽ cao hơn rất nhiều (đặc biệt là về giá đất) so với việc áp dụng quy định Nhà nước thu hồi đất.
Liên hệ với Công ty Cổ phần tập đoàn SSG, phóng viên được biết hiện nay phần đền bù giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp đã cơ bản được SSG hoàn thiện, Công ty đang chờ chính quyền địa phương can thiệp, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng phần đất thổ cư của người dân.
“Phần đất thổ cư vẫn chưa thỏa thuận được mức đền bù, công ty ngoài ra không gặp bất cứ vướng mắc nào khác, phần diện tích đất thổ cư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất”, đại diện SSG cho biết.
Nguồn: https://m.moitruongvadothi.vn/do-thi/quy-hoach-kien-truc/luat-su-noi-ve-du-an-xay-dung-truong-thpt-chat-luong-cao-mua-xuan-a59078.html