Trong thời gian từ ngày 10/10 vừa qua, sau nhiều phản ánh từ người dân sinh sống tại các khu vực Quận Đống Đa, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân về việc ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt: có mùi lạ, mùi khét như nhựa cháy, không thể dùng để nấu ăn, sinh hoạt.
Theo xác minh, mùi lạ trong nước xuất phát từ việc ở đầu nguồn nước có một số người dân đã đổ dầu phế thải sau đó chảy ra hồ trữ nước và nhà máy nước đã không kiểm soát tốt dẫn đến ô nhiễm hệ thống nước sinh hoạt cung cấp cho người dân. Qua kết quả xác định được chất gây ô nhiễm là Styren, có tỷ lệ gấp 1,3 – 3,6 lần so với mức cho phép. Đây là loại chất độc có thể gây tổn hại đến AND của con người, để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và di truyền.
Đáng nói hơn đó là cách mà Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà xử lý với sự việc này, Công ty này đã có hành vi giấu diếm, không thông báo cho người dân, cho các cơ quan chức năng kịp thời và không đảm bảo chất lượng nước cho người dân. Chỉ đến khi sự việc vỡ lở thì mới tổ chức họp báo và có những lời lẽ ngụy biện, không trung thực.
Về sự việc này, chúng tôi đã mời Luật sư-Tiến sỹ Luật Lê Ngọc Khánh, chuyên viên cấp cao Công ty Luật TNHH TGS – thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để cùng trao đổi một số vấn đề pháp lý liên quan.
Câu 1: Quan điểm của Luật sư thế nào về Hành vi giấu nhẹm thông tin nguồn nước bị ô nhiễm của Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà, không hề báo cáo đến chính quyền Hà Nội và vẫn cung cấp nước cho người dân. Thậm chí, đến lúc họp báo công bố thông tin (chiều ngày 15/10/2019) thì ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty này vẫn tiếp tục bao biện, không hề trung thực?
Theo Luật sư Khánh, Hành vi của Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà là một sự xem thường sức khỏe, tính mạng của hàng triệu người dân, hành vi này cần phải bị lên án và xử lý theo quy định của pháp luật.
Các công ty nước sạch có nghĩa vụ xử lý sự cố nước xảy ra, Bảo đảm an toàn nguồn nước, xây dựng đới phòng hộ vệ sinh khu vực lấy nước, hệ thống công trình cấp nước; Bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ theo Điều 55, Nghị định 117/2007/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2011/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.
Đồng thời theo Khoản 7, Điều 5, Thông tư 41/2018 do Bộ Y Tế ban hành về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt thì Đơn vị cấp nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do mình cung cấp; đồng thời phải Công khai thông tin về chất lượng nước sạch, Báo cáo biện pháp khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch.
Từ các quy định trên có thể thấy, phát ngôn của Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà cho rằng mùi lạ trong nước là do tăng lượng clo trong mức độ cho phép để xử lý nước và khẳng định mình không bưng bít thông tin bằng cách gửi kết quả, thông báo cho 1-2 khách hàng là một sự bao biện, không trung thực.
Tuy nhiên vẫn cần phải có sự xác minh thêm về mức độ ô nhiễm mức độ tổn hại để xử lý theo quy định của pháp luật.
Câu 2: Công tác bảo đảm an toàn nguồn nước đầu nguồn trách nhiệm thuộc về ai?
Luật sư Khánh cho biết, như đã nói ở phía trên, tại Thông tư 41/2018 và Nghị định 117/2007 đều quy định trách nhiệm đảm bảo nguồn nước là thuộc về chính Đơn vị cung cấp nước sạch. Việc đảm bảo đó không chỉ là kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng xử lý nước mà còn phải đảm bảo cả nguồn nước, khu vực, lưu vực hình thành nên nguồn nước, như vậy mới có thể cung cấp được lượng nước ổn định và đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, đơn vị cung cấp nước cần phải liên tục giám sát các nguồn nước này để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố về nước, không được phép cung cấp một nguồn nước không sạch, có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Câu 3: Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn chính quyền Hà Nội như thế nào trong suốt 4, 5 ngày để người dân phải sử dụng nước ô nhiễm, không hề có động thái cảnh báo hay trấn an dư luận, trong khi các cơ quan báo chí đã lên tiếng và người dân liên tục phản ánh trên các trang mạng xã hội?
Theo Luật sư Khánh, động thái của chính quyền Hà Nội là chậm trễ và chưa tròn trách nhiệm. Đáng lý ra, ngay khi có thông tin từ phía người dân sử dụng nước thì cần phải thực hiện ngay các biện pháp xác minh, kiểm tra chất lượng nguồn nước đồng thời ngay lập tức thông báo cho người dân về tình trạng nước; yêu cầu đơn vi cung cấp nước phải thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời để đảm bảo cuộc sống cho người dân; đồng thời phải xử lý kiên quyết hơn với Đơn vị cung cấp nước và công khai thông tin liên quan khác.
Câu 4: Người dân bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm những ngày qua có quyền khởi kiện cơ quan, tổ chức nào hay không?
Theo Luật sư Khánh, người dân bị chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể thực hiện quyền khởi kiện của mình với Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà bởi lẽ Công ty này đã có hành vi cung cấp nước không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và có hành gian dối, ém nhẹm thông tin về sự cố nước xảy ra.
Theo Điều 55 Nghị định 117/2007/NĐ-CP thì Đơn vị cung cấp nước phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng sử dụng nước khi gây thiệt hại. Và tại Điều 63 về Xử lý vi phạm thì Các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp nước; Và tổ chức vi phạm việc cấp nước sạch cho mục đích sinh hoạt không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
>>Theo dõi tại: http://www.quochoitv.vn/
Video trả lời phỏng vấn của Luật Sư Lê Ngọc Khánh