Như 1 số báo chí đã đưa tin, tỉnh Hà Giang đang thành lập đoàn kiểm tra các trình tự, thủ tục liên quan đến công trình 7 tầng có tên Mã Pì Lèng Panorama với chức năng tổng hợp nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê…, “mọc” trên đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Trao đổi với PV, ông Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc thừa nhận, công trình này của một phụ nữ tên V. T. A. (ở thành phố Hà Giang) chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cũng chưa được cấp phép xây dựng, nó đồng nghĩa với việc đây là công trình xây trái phép. Theo thông tin từ ông UBND huyện Mèo Vạc thì công trình này của một hộ dân TP. Hà Giang xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi từ năm 2018 và hoàn thành từ đầu năm 2019. Công trình này có vi phạm vi phạm về đất đai, vi phạm về trật tự xây dựng pháp luật hay không? Luật sư nhận định, đánh giá sự việc này như thế nào? Đèo Mã Pí Lèng là di sản văn hóa, là cảnh quan thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Hành vi vi phạm luật đất đai, vi phạm luật xây dựng (xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi) ngoài việc bị xử phạt hành chính còn có hình thức xử lý nào khác không ….?
Theo luật sư, đối với công trình sai phạm này có quy định pháp luật nào để buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép này hay không?
Thạc sĩ. Luật sư. Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH THGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.
Khu vực đèo Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia, thuộc khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (được UNESCO công nhận). Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 2057/QĐ-TTg ngày 21/12/2017 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du Khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Do đó, việc xây dựng các công trình tại khu vực đèo Mã Pí Lèng phải tuân thủ đúng quy hoạch đã được phê duyệt, các quy định của Luật Di sản văn hóa và UNESCO, cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan, trên nguyên tắc bảo tồn và phát triển những giá trị về cảnh quan tự nhiên, vật chất và văn hóa của di tích danh lam thắng cảnh này.
Theo thông tin trên báo trí, công trình xây dựng tại đèo Mã Pí Lèng là khá đồ sộ và được xây dựng trên đất nông nghiệp khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dự án đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng và chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Nếu các thông tin này là chính xác thì chủ đầu tư công trình đã vi phạm rất nghiêm trọng nhiều quy định tại các Điều 12 và Điều 57 Luật đất đai năm 2013, Điều 89 Luật xây dựng, Điều 13 và Điều 36 Luật Di sản văn hóa.v.v..
Trong trường hợp này, chủ đầu tư có thể bị xử phạt về các hành vi vi phạm như sau: “Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng” theo Khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, với hình thức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và “chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp”, với hình thức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm (Khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP), khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm (Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP).
Nội dung và bản chất của vụ việc ra sao? Các sai phạm (nếu có) là như thế nào thì còn phải đợi kết quả thanh kiểm tra, xác minh của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, khu vực đèo Mã Pí Leng là di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có nhiều giá trị rất quý giá về cảnh quan thiên nhiên, vật chất và văn hóa của đất nước ta. Do đó, các hành vi xây dựng trái phép hoặc sai quy hoạch trong khu vực này đều phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời và triệt để. Có như vậy, chúng ta mới có thể bảo vệ và giữ gìn được những giá trị của cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Đồng thời, qua vụ việc này, các cơ quan chức năng cũng phải xem xét và xử lý trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân có liên quan, chấn chỉnh công tác quản lý, không để xẩy ra các vụ việc tương tự.
Bài trả lời của Thạc sĩ. Luật sư. Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH THGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội trên báo pháp Luật Việt Nam: https://baophapluat.vn/hoi-dap-365/can-buoc-thao-do-panorama-cong-trinh-xay-dung-trai-phep-tren-ma-pi-leng-474052.html