Câu hỏi phỏng vấn
Thưa luật sư, tôi là phóng viên của Báo Phụ Nữ, qua sự việc bỏ quên đứa bé 6 tuổi trên xe bus dẫn đến tử vong tại trường Gateway vừa qua, dư luận đã dấy lên nỗi lo rằng liệu mình phải chịu trách nhiệm gì khi giúp các bậc phụ huynh đưa đón con em họ. Bản thân tôi cũng như nhiều độc giả khác thường xuyên nhờ bạn bè, ông bà, hàng xóm, xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ, cô giáo, người giúp việc,…đưa đón con em của mình đi học, đi chơi. Nếu không có chuyện gì xảy ra thì không sao nhưng trong trường hợp mà có thiệt hại như tai nạn giao thông thì trách nhiệm của các bên được quy định như thế nào thưa luật sư?
Luật sư trả lời
Tôi, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Công ty Luật TGS – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời tình huống trên của Báo phụ nữ như sau:
Thứ nhất: Trong trường hợp của bạn nêu ra là đã có thỏa thuận về việc đưa đón cho cháu bé giữa người nhờ (hay còn gọi người đại diện, giám hộ) và người được nhờ (bên vận chuyển). Khi đó một quan hệ hợp đồng vận chuyển hành khách được xác lập giữa các bậc phụ huynh và người được nhờ.
Trong thực tế, việc thỏa thuận đưa đón các cháu bé như trên thường diễn ra bằng miệng, cũng có thể các đoạn hội thoại như tin nhắn thì được coi là dưới dạng văn bản. Theo quy định của pháp luật thì chúng vẫn có giá trị pháp lý bởi vì theo điều 523 Bộ luật dân sự 2015
“Điều 523. Hình thức hợp đồng vận chuyển hành khách
1. Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.”
Về đối tượng được, có thể chia thành đối tượng được thuê và nhận thù lao (xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ cao) và đối tượng được nhờ không nhận thù lao (như bạn bè, cô giáo, …). Tuy nhiên việc chia các đối tượng này không có ý nghĩa bởi vì khi xảy ra thiệt hại về nguyên tắc phải xác định ai là người có lỗi, nếu người đó có lỗi thì kể cả ông bà, bạn bè của người nhờ cho dù không được thù lao nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm. Bời vì khi đó hợp đồng đã có hiệu lực và chiếu theo quy định tại Điều 528 BLDS 2015 quy định như sau:
“Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển hành khách:
1. Trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật”
Về mặt trách nhiệm, về nguyên tắc bất kể quan hệ pháp luật nào từ hành chính đến dân sự khi mà mức độ thiệt hại đủ lớn thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi đưa đón con em hộ các bậc phụ huynh mà người được nhờ gây ra lỗi thì căn cứ vào mức độ nghiêm trọng mà xác định họ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Cần lưu ý rằng trong trường hợp mà bên thứ 3 gây ra lỗi thì đương nhiên người được nhờ không phải chịu trách nhiệm.
Mức độ nghiêm trọng ở đây có thể căn cứ vào tỉ lệ gây thương tích, số lượng người thương vong hoặc những thiệt hại đối với tài sản.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Công ty Luật TGS – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
Trong trường hợp mà hậu quả đủ lớn được quy định trong Bộ luật hình sự thì người được nhờ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, ví dụ như các quy định tại Điều 128, Điều 180, Điều 260, Điều 360 Bộ luật hình sự như sau:
Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Điều 180. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản
1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6.Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Vụ việc trường Gateway bỏ quên đứa bé 6 tuổi dẫn đến tử vong là một ví dụ. Cụ thể là việc đưa đón học sinh đã được thỏa thuận giữa gia đình và nhà trường. Trong đó nhà trường có trách nhiệm đưa đón học sinh bằng ô tô đến một điểm cố định và sẽ có giáo viên đi cùng các con đến lớp học. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu bé là do lỗi cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm đếm của giáo viên, lái xe từ bên phía trường Gateway. Cho nên giáo viên, lái xe của trường Gateway có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 1 điều 128 hoặc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 1 điều 360 Bộ luật hình sự 2015
Trong trường hợp mà hậu quả không đủ lớn như quy định trong Bộ luật hình sự, thì người được nhờ chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường nếu họ có lỗi và nếu các bậc phụ huynh của con em yêu cầu.
Thứ hai, bên cạnh trường hợp mà bạn nêu ra, là trường hợp các bên không có thỏa thuận việc đưa đón các cháu, đó là khi mà vì lý do công việc mà các bậc phụ huynh quên không đón con mà những người quen của họ tự ý đón hộ hoặc đôi khi bạn cũng thấy những đứa trẻ nhà hàng xóm, người quen đứng bơ vơ đợi bố mẹ chúng đến đón mà rất thương, xuất phát từ tình cảm và để an toàn cho cháu bé mà bạn đã đưa đón cháu bé đó mà chưa được sự đồng ý của bố mẹ chúng. Về mặt tình cảm thì không ai chê trách được nhưng khi xảy ra thiệt hại, xét dưới góc độ pháp luật lại là một câu chuyện khác.
Trường hợp này, người nhờ (người đại diện hoặc người giám hộ) không nhờ mà người khác tự thực hiện việc đưa đón dứa bé. Khi đó, người đưa đón đứa trẻ đã thực hiện một công việc không có ủy quyền
Bởi vì theo quy định tại điều 574 Bộ luật dân sự về thực hiện công việc không có ủy quyền thì:
“Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối”
Theo quan điểm của tôi thì những người này đã thực hiện một công việc không có ủy quyền và trường hợp xảy ra tai nạn, người thực hiện công việc không có ủy quyền vẫn phải bồi thường nếu có lỗi. Việc bồi thường quy định tại điều 577 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Điều 577. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi thực hiện công việc không có ủy quyền
“1. Khi người thực hiện công việc không có ủy quyền cố ý gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện
2. Nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền do vô ý mà gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc, người đó có thể được giảm mức bồi thường.”
Việc trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự như thế nào thì căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của thiệt hại như ở trường hợp mà các bên có thỏa thuận để xác định.