Ngày 1/6/2019 Luật sư, tiến sĩ Luật học Lê Ngọc Khánh hãng Luật TGS – Đoàn Luật Sư Hà Nội. Tham gia đàm thoại về những sửa đổi bổ sung Luật doanh nghiệp của Đài truyền Hình Hà Nội(H1). Mời các bạn cùng theo dõi.
Câu 1: Quan điểm cá nhân dưới góc độ người làm luật về những mặt được, tích cực mà Luật Doanh nghiệp 2014 mang lại so với bộ luật trước đó?
So với Luật Doanh nghiệp 2005 thì Luật Doanh nghiệp 2014 đã có những mặt tích cực như sau:
Về con dấu
Trước đây việc cấp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp do Bộ Công an quy định, theo Luật doanh nghiệp 2014 tại Điều 44, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Thay vì phải đăng ký với cơ quan công an như luật cũ, doanh nghiệp chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Về đăng ký kinh doanh
- Thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 và khoản 3 Điều 31 Luật Doanh nghiệp, thời hạn để cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các loại hình doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được rút ngắn từ 5 ngày làm việc (theo luật Doanh nghiệp 2005) xuống còn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
- Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Theo quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp thì nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ còn 4 nội dung chính (Luật Doanh nghiệp 2005 là 10 nội dung chính) là: Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; thông tin chi tiết nhân thân của cá nhân là người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, thành viên công ty và thông tin của thành viên tổ chức; vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Theo đó, luật Doanh nghiệp năm nay đã bỏ nội dung ngành, nghề kinh doanh; bỏ việc xác định vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề. Điều này đã hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp 2013. Đồng thời, khi có sự thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp chỉ phải thông bảo với cơ quan đăng ký kinh doanh để được bổ sung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mà không phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới như luật cũ.
Về điều kiện tiến hành họp đại hội đồng cổ đông
Theo quy định tại Điều 141 Luật Doanh nghiệp, điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông chính thức thay đổi theo đúng thông lệ quốc tế khi giảm tỷ lệ dự họp từ 65% (Luật Doanh nghiệp 2005) xuống còn 51%. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành theo đúng kế hoạch của doanh nghiệp, tránh tình trạng phải triệu tập lần thứ 2, lần thứ 3 do không đủ điều kiện.
Về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Khác với luật Doanh nghiệp 2005, Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép công ty TNHH và công ty cổ phần có thể tự quyết định, chỉ định một người đại diện theo pháp luật hoặc trong trường hợp cần thiết thì có quyền tự chủ quyết định việc có nhiều người đại diện theo pháp luật. Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Điều lệ công ty.
Về hợp nhất, sáp nhập
Theo quy định tại Điều 194, 195 Luật Doanh nghiệp, các công ty có thể hợp nhất, sáp nhập vào nhau để tạo thành một công ty mới mà không bắt buộc phải là “công ty cùng loại” như quy định tại luật cũ. Quy định này là sự đổi mới quan trọng góp phần thúc đẩy thị trường mua bán doanh nghiệp đang hết sức sôi động hiện nay.
Câu 2: Thưa Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, qua những chia sẻ vừa rồi của bà Nguyễn Thị Hoàn, chúng tôi nhận thấy có những khó khăn không phải do bản thân doanh nghiệp mà lại xuất phát từ vấn đề cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như một số quy định pháp luật điều chỉnh chưa thực sự phù hợp. Và đây cũng là khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay. Quan điểm của luật sư về việc này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Hoàn vừa rồi đã chia sẻ 1 trong những khó khăn của doanh nghiệp xuất phát từ vấn đề cơ chế đó là: Doanh nghiệp sẽ không phải đăng ký ngành nghề kinh doanh mà được tự do kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm
Quy định về ngành nghề kinh doanh trong Luật doanh nghiệp 2014 dễ dẫn đến hiểu lầm cho các Doanh nghiệp. Ngành nghề kinh doanh sẽ không được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp nhưng doanh nghiệp vẫn phải ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và mỗi khi thay đổi, bổ sung vẫn phải gửi thông báo đến cơ quan ĐKKD.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc ngành nghề không được thể hiện trong Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia: http://dangkykinhdoanh.gov.vn gây khó khăn cho doanh nghiệp,các cơ quan nhà nước,… trong việc tra cứu thông tin. Nhưng quy định này cũng giúp cho các thông tin về ngành nghề được công khai, thuận lợi cho các doanh nghiệp,nhà đầu tư tìm được các đối tác phù hợp
Câu 3: Liệt kê một vài điểm bất cập mà luật sư cho rằng căn bản nhất trong Luật doanh nghiệp năm 2014 và cơ chế hiện hành?
Về ngành nghề kinh doanh như tôi đã phân tích ở trên cũng là 1 trong số những bất cập của Luật Doanh nghiệp 2014 thì còn có những bất cập khác. Ví dụ như:
+ Sự tách bạch giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ không còn đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như quy định trong Luật Doanh nghiệp 2005. Khi đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài phải được sở kế hoạch và đầu tư các địa phương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (khoản 1, điều 22, Luật Đầu tư 2014 và điều 21, điều 22, điều 23 Luật Doanh nghiệp 2014). Như vậy, thủ tục để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trở nên khó khăn hơn.
Câu 4: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 – Khóa XIV vào tháng 10 năm nay. 4 nhóm vấn đề đã được liệt kê và Luật sửa đổi thì đang được các chuyên gia, nhà quản lý và người dân góp ý. Dưới góc độ người làm luật, theo Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, những sửa đổi, bổ sung nào sẽ đem lại những thay đổi tích cực nhất?
Theo tôi thì nhóm vấn đề về sự khác biệt, phân tán về thủ tục đăng ký doanh nghiệp giữa Luật Doanh nghiệp và một số luật khác có liên quan, như Luật Đấu giá, Luật Luật sư, Luật Chứng khoán…) sẽ đem lại những thay đổi tích cực.
Chẳng hạn như hiện nay, một số doanh nghiệp đăng ký thành lập tại cơ quan chuyên ngành, thay vì đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp đấu giá tài sản đăng ký thành lập tại Sở Tư pháp theo Luật Đấu giá tài sản hay tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tại Sở Tư pháp theo Luật Luật sư. Điều này không chỉ phân tán trong việc quản lý đăng ký kinh doanh mà còn gây cản trở, khó khăn, tốn kém và bất lợi cho các doanh nghiệp có liên quan trong cơ cấu lại hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp. Vì vậy, nếu thay đổi sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Câu 5: Bình luận về quy định mới trong Luật sửa đổi mà luật sư tâm đắc nhất, ví dụ sửa đổi Điều 3… ?
Dường như các vấn đề, các điều Luật được đưa ra để sửa đổi, tôi đều thấy rất hợp lý, đây không đơn giản chỉ là sự nghiên cứu trên lý thuyết, lý luận mà còn là các khúc mắc phát sinh từ thực tế.
Đặc biệt, về sửa đổi quy định về áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành quy định tại Điều 3, Luật doanh nghiệp.
Dự thảo đã có sửa đổi khá quan trọng về việc áp dụng thủ tục đăng ký doanh nghiệp, theo đó tất cả các tổ chức kinh tế khi thành lập đều phải thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp.
Đối với các lĩnh vực mà hiện việc thành lập và hoạt động hoàn toàn theo pháp luật chuyên ngành (trong đó có quy định giấy phép hoạt động đồng thời là giấy đăng ký doanh nghiệp), ví dụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…, quy định mới này của Dự thảo sẽ làm thay đổi trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này.
Câu 6: 7/ Hai vị khách cùng nêu ý kiến phản biện hoặc cần bổ sung quy định nào. Ví dụ: cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, công bằng hơn trong cạnh tranh sản phẩm thời kỳ công nghệ 4.0 ?
Như ở sự sửa đổi ở Điều 3 vừa rồi, cũng cần phải có những cách thức để “xử lý” các vấn đề pháp lý phát sinh từ thay đổi này, ít nhất ở các điểm sau:
- Đối với các tổ chức đã thành lập và đang hoạt động theo luật chuyên ngành:Họ có phải thực hiện lại thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Dự thảo hay không? Khi đó giá trị, thời điểm hiệu lực của giấy đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp có ảnh hưởng như thế nào tới các giấy phép kinh doanh theo Luật chuyên ngành mà doanh nghiệp đang có?
- Đối với các tổ chức sẽ thành lập trong các lĩnh vực này trong tương lai: Quy trình đăng ký kinh doanh theo Luật này và xin phép thành lập theo Luật chuyên ngành sẽ kết hợp như thế nào? Chú ý là trong trường hợp này, về mặt pháp lý, nếu doanh nghiệp đã đăng ký thành lập thành công theo Luật Doanh nghiệp thì là chủ thể đã tồn tại, do đó sẽ mâu thuẫn với thủ tục “xin phép thành lập” theo Luật chuyên ngành – và trong trường hợp này về nguyên tắc các Luật chuyên ngành sẽ phải sửa đổi, để chuyển thủ tục “cấp phép thành lập và kinh doanh” hiện tại thành thủ tục cấp phép kinh doanh (Giấy phép cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện – Giấy phép con) như bất kỳ ngành nghề kinh doanh có điều kiện bằng giấy phép nào khác.
- Các quy định liên quan đến thủ tục thành lập các tổ chức tại các văn bản chuyên ngành nào sẽ bị bãi bỏ sau khi Luật này. Điều 3 Dự thảo có bãi bỏ một số quy định tại văn bản có liên quan, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ (ví dụ: văn phòng luật sư, công ty luật được thành lập và hoạt động theo Luật luật sư, Dự thảo không thấy quy định nào về việc sửa đổi/bãi bỏ các quy định liên quan trong Luật luật sư)
Về thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Một trong những quy định được đánh giá là có tính cải cách nhất của Luật doanh nghiệp 2014 là thủ tục đăng ký doanh nghiệp, trong đó Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, sự tiến bộ này của Luật doanh nghiệp về thủ tục đăng ký kinh doanh đã không được hiện thực hóa trong các văn bản hướng dẫn cũng như trên thực tế. Cụ thể, đối với thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải xác định mã ngành cấp 4 đối với ngành, nghề mà mình đăng ký kinh doanh.
Nói cách khác, đây là một trong những điểm vướng đã được xác định trong giai đoạn soạn thảo Luật doanh nghiệp năm 2014 nhưng lại chưa được giải quyết, đặc biệt trong Nghị định quy định về đăng ký doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ quy định này, mặc dù Luật doanh nghiệp 2014 lại không thấy có quy định.
Để đảm bảo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo tính cải cách, đột phá về thủ tục đăng ký kinh doanh, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định rõ về thủ tục đăng ký doanh nghiệp ngay trong Dự thảo Luật lần này, theo đó quy định rõ khi đăng ký kinh doanh doanh nghiệp phải xác định mã ngành đối với ngành, nghề mà mình đăng ký.
Câu 8: Hai vị có kiến nghị gì để Luật sửa đổi lần này thực sự giải quyết được những nhóm vấn đề đang tồn tại và thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới?
Đối với nhóm vấn đề thứ ba là “Chưa có quy định chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi pháp luật có liên quan, không còn phù hợp với thực tiễn mới phát sinh” thì hiện nay Luật Doanh nghiệp chưa có quy định xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật và Điều lệ công ty không quy định về phân công quyền, nhiệm vụ giữa những người đại diện theo pháp luật một cách cụ thể và rõ ràng dẫn đến các quy định của pháp luật còn chồng chéo lẫn nhau chưa phù hợp với thực tiễn, gây ra nhiều khó khăn trong việc xác định người đại diện theo pháp luật. Gây nhiều cản trở khi làm việc với công ty để giải quyết khi có vụ tranh chấp; dẫn đến kéo dài và thiệt hại lợi ích cho bên có liên quan.
Do vậy, kiến nghị của tôi về nhóm vấn đề này là Luật Doanh nghiệp mới nên đưa ra các điều khoản cụ thể để xác định ai là người chịu trách nhiệm chính trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật cần được quy định rõ, phân công quyền và nhiệm vụ giữa những người đại diện theo pháp luật.
Câu 9: Kiến nghị, mong muốn theo quan điểm cá nhân, không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi luật mà còn cả các chính sách hỗ trợ cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp để cùng thúc đẩy sự phát triển là gì?
- Cải thiện các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực nộp thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh
- Xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công và dịch vụ cung cấp sử dụng Thẻ điện tử doanh nghiệp
- Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện hình thức liên thông trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước giữa các cơ quan cùng cấp và giữa cấp tỉnh, cấp huyện
- Thường xuyên đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với tổ chức, doanh nghiệp về thủ tục hành chính nhằm nắm bắt yêu cầu, mong muốn của tổ chức, doanh nghiệp để có những giải pháp cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công
Video trả lời đàm thoại của Luật sư Lê Ngọc Khánh về pháp luật Doanh nghiệp của đài truyền hình Hà Nội