Thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ ma túy lớn. Tuy nhiên tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này, cũng như một số kiến nghị của chuyên gia pháp lý về vấn đề này để điều chỉnh hành lang pháp lý. Với nhưng chế tài xử lý cần nghiêm khắc hơn với loại tội phạm này. Xung quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật Sư Nguyễn Đức Hùng Hãng Luật TGS – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
Câu hỏi 1
Thưa Luật sư, mặc dù năm 2018, các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý tốt về tội phạm ma túy. Tuy vậy, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, hoạt động quy mô lớn xuyên quốc gia, phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Luật sư đánh giá như thế nào về thực trạng của tình hình tội phạm ma túy ở nước ta hiện nay?
Luật sư trả lời:
Hiện nay tình trạng nhiều loại chất ma túy ngày càng phổ biến trên đất nước ta. Tình trạng lợi dụng các quán bar, vũ trường, nhà nghỉ để mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp ở các thành phố lớn.
Thanh thiếu niên sử dụng nhiều chất gây nghiện, ma túy tại các quán bar, vũ trường và một số lễ hội âm nhạc tiếp tục diễn ra cũng khá phức tạp, khó kiểm soát và gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Như vụ ca sĩ Châu Việt Cường ngáo đá giết người; vụ 7 người chết tại lễ hội âm nhạc ở Tây Hồ do sử dụng ma túy.
Năm 2018, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 24.931 vụ tội phạm ma túy, tăng so với trước đây. Tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là 28,58%. Cả nước hiện nay có 224.690 người nghiện có hồ sơ quản lý. Điều này cho thấy công tác phòng, chống tội phạm ma túy tại nước ta vẫn còn rất hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến an ninh xã hội, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, nhiều hành vi vi phạm pháp luật do các đối tượng nghiện ma túy gây ra.
Cụ thể: Nhiều đối tượng sử dụng ma túy sau đó gây ra các loại án xâm phạm nhân thân, xâm phạm sở hữu với tính chất liều lĩnh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung cũng như công tác quản lý, điều trị cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy.
Thực trạng cho thấy phần nhiều những người nghiện đều thấy được tác hại của ma túy nhưng họ cố vướng vào và sử dụng. Qua khảo sát, phần lớn đối tượng nghiện ma túy trong độ tuổi thanh, thiếu niên; nguyên nhân chủ yếu là do thích ăn chơi, đua đòi, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, họ cho rằng ma túy tổng hợp sử dụng không gây nghiện. Theo thống kê tỷ lệ vi phạm pháp luật ở thanh thiếu niên nghiện ma túy chiếm khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tức là trong số những thanh thiếu niên hiện nay thì những thanh thiếu niên nghiện ma túy có tỷ lệ vi phạm pháp luật cao hơn 100 lần so với các thanh thiếu niên không nghiện ma túy, đây là con số đáng báo động hiện nay.
Trước đây, những vụ án mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy chỉ với số lượng ít hơn nhiều so với một số vụ án ma túy bị triệt phá gần đây với số lượng ma túy đặc biệt lớn hàng nghìn bánh Heroin, hàng tấn chất ma túy, hàng nghìn viên ma túy tổng hợp ….
Điều này cho thấy tội phạm ma túy ngày càng nguy hiểm, đa dạng hơn trên các phương diện: số lượng, quy mô địa bàn hoạt động, đối tượng phạm tội cả người già, thanh niên, thậm trí cả trẻ em, phụ nữ, người nước ngoài, người dân tộc thiểu số ….
Như vậy, tình trạng tội phạm ma túy hiện nay là vô cùng phức tạp và đặc biệt nguy hiểm đòi hỏi không chỉ các cơ quan chức năng đấu tranh phòng chống loại tội phạm này phải tích cực đẩy mạnh để đẩy lùi sự gia tăng đang diễn ra hàng ngày của loại tội phạm này mà còn cần sự hợp tác của cả cộng đồng.
Câu hỏi 2
Theo Luật sư, đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm ma túy ngày càng phức tạp?
Từ thực trạng trên chúng ta có thể rút ra các nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm về ma túy ngày càng phức tạp như sau:
Thứ Nhất: về đặc điểm tâm lý của những người phạm tội
Trước hết, do ý thức phấn đấu, tự rèn luyện, tu dưỡng của các cá nhân quá yếu hoặc do hoàn cảnh khách quan đưa đến như bị bạn bè lôi kéo, rủ rê đến với con đường phạm tội. Đa số đối tượng thanh thiếu niên nghiện dẫn đến thất học hoặc có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp không ổn định, không kiếm đủ tiền cho cuộc sống độc lập của mình, vì thế họ có cảm giác thua thiệt, nên tâm lý dễ nảy sinh chán chường, bất mãn và theo bạn bè dẫn đến nghiện ngập ma tuý.
Cũng có thể kể đến việc thanh – thiếu niên – học sinh phạm tội đó là lỗi của các bậc cha mẹ do buông lỏng quản lý ít quan tâm đến con cái, không nhìn thấy được những hành vi sai trái của con trẻ để dạy dỗ, răn đe, ngăn chặn. Chính việc buông lỏng quản lý này đã tạo cơ hội cho những kè xấu dụ dỗ.
Thứ Hai: Về phía các cơ quan quản lý, tuyên truyền
Công tác quản lý, xuất nhập khẩu các chất ma túy, các chất độc dược có tính gây nghiện còn nhiều sơ hở, thiếu sót. Hiện nay ở Hà Nội và một số thành phố khác có tới cả trăm cửa hàng hóa chất bán tự do, những hóa chất này được mang từ phía Nam Trung Quốc cũng như từ những nước công nghiệp phát triển vào nước ta bằng nhiều con đường, trong số này có hàng chục loại hóa chất, dung môi, axit…có thể bị lợi dụng để điều chế ma tuý bất hợp pháp.
Đồng thời công tác quản lý, kiểm soát tại quán karaoke, quán bar, vũ trường và một số lễ hội âm nhạc chưa thực sự chặt chẽ. Bởi đây được coi là nơi thuận lợi để các đối tượng thực hiện hành vi mồi chài, dụ dỗ các đối tượng khách sử dụng, mua ma túy.
Công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân, gia đình, tổ chức, đoàn thể nâng cao nhận thức và chủ động phòng chống ma tuý chưa đủ mạnh, còn dàn trải, mạnh ai nấy làm, thiên về hậu quả, ít chú ý nhân rộng, phổ biến các kinh nghiệm, tấm gương tốt trong phòng ngừa và đấu tranh chống ma tuý. Đặc biệt là tuyên truyền pháp luật về ma tuý còn ít nhưng lại nêu quá sâu về những tác dụng khoái cảm của nghiện ma tuý và thủ thuật hoạt động của tội phạm, gây sự tò mò. Mặt khác, công tác phòng chống mới được thực hiện chung chung cho toàn xã hội, chưa đi sâu.
Thứ Ba: vì lòng tham trước những lợi nhuận từ việc buôn bán trái phép chất ma túy
Mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho một số người đổ xô tìm kiếm lợi nhuận bằng bất kể giá nào, thậm chí bằng cả tội ác. Với họ, thông thường có lối sống buông thả, ưa hưởng thụ. Bằng việc buôn bán “cái chết trắng” đã tạo cho họ một “siêu lợi nhuận”. Chính vì nguồn thu bất hợp pháp này đã làm suy giảm đi đạo đức của con người. Họ tìm mọi cách để dụ dỗ, lôi kéo, lách luật với mục đích cuối cùng là làm sao tiêu thụ được càng nhiều ma túy, càng nhiều người mua thì họ càng thu lại đuợc nhiều lợi nhuận. Số đông người phạm tội về ma túy họ đều muốn làm giàu nhanh, đã phần họ có cuộc sống túng bấn, khó khăn về kinh tế, có tâm lý lười lao động. Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp, không có việc làm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn dắt một số người mắc vào tệ nạn ma túy.
Thứ Tư: Thủ đoạn phạm tội rất đa dạng, phần lớn người nghiện mua ma túy về sử dụng sau đó làm quen với đường dây, rồi lấy ma túy về bán để kiếm lời lấy ma túy sử dụng. Các đôi tượng trong đường dây ma túy hoạt động bí mật và tính tổ chức chặt chẽ nên khi một đối tượng trong đường dây bị phát hiện chúng thường không khai đồng bọn nên trong quá trình điều tra thường chỉ phát hiện được một đối tượng còn những đối tượng khác không bị phát hiện.
Thứ Năm: Việc tạo điều kiện làm việc cho người sau cai nghiện còn khó khăn do Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai nghiện
Câu hỏi 3
Nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp lý cho rằng: Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể về quy trình cai nghiện, điều trị nghiện ma túy, chế độ cai nghiện, các can thiệp cần thiết đối với người nghiện ma túy. Dẫn đến tình trạng ngoài quy định Luật Phòng, chống ma túy còn một hệ thống văn bản dưới luật quy định khiến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy trở nên cồng kềnh, chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau. Vì vậy vẫn tạo những kẽ hở để tội phạm ma túy hoạt động tinh vi, phức tạp. Mặt khác, tính răn đe của pháp luật chưa cao. Vậy Luật sư có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Luật sư trả lời:
Việc không quy định cụ thể về quy trình cai nghiện, điều trị nghiện ma túy, chế độ cai nghiện, các can thiệp cần thiết đối với người nghiện ma túy chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm ma túy có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên để quy định của pháp luật được đảm bảo và hiểu quả thì Quốc Hội cần tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy để sớm đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh. Đồng thời cũng cần tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những mâu thuẫn chồng chéo hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay và gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện.
Câu hỏi 4
Quy định về biện pháp quản lý sau cai nghiện bắt buộc tại cơ sở quản lý trong Luật Phòng, chống ma túy hiện nay cũng không phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Luật sư có kiến nghị gì về vấn đề này?
Luật sư trả lời:
Theo tôi hiện nay các quy định về biện pháp quản lý sau cai nghiện bắt buộc tại cơ sở quản lý trong Luật Phòng, chống ma túy đã ảnh hưởng đến quyền công dân, con người theo hiến pháp 2013. Theo đó sau khi cai nghiện ma túy tại Trung Tâm, cụ thể; Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 94/2009/NĐ-CP quy định nội dung quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú như sau:
Quản lý, hướng dẫn, giúp đỡ người sau cai nghiện phòng, chống tái nghiện; tư vấn cho họ để thay đổi hành vi, nhân cách;
Hỗ trợ học nghề, tìm việc làm và tạo điều kiện để người sau cai nghiện tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Như vậy có thể thấy sau khi các đối tượng đã hoàn thành xong việc cai nghiện tại các Trung tâm thì tiếp tục chịu sự quản lý, điều này vô tình đã không đảm bảo quyền công dân, quyền con người cho những đối tượng này.
Vậy nên chúng ta cần tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những mâu thuẫn chồng chéo hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay và gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền công dân, quyền con người.
Video trả lời phỏng vấn đài truyền hình H1 Luật sư Nguyễn Đức Hùng