Câu hỏi 1:
Thưa Luật sư, trong hầu hết các vụ việc nổi cộm được dư luận quan tâm nhất thì nạn nhân của các vụ hiếp dâm và dâm ô vừa qua thường là trẻ em mà hiện nay pháp luật gọi chung là người dưới 16 tuổi và các nữ sinh cũng ở tuổi đời rất trẻ. Luật sư bình luận như thế nào về thực trạng này ?
Luật sư trả lời:
Gần đây, có rất nhiều vụ việc dâm ô trẻ em, hiếp dâm, quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi bị phát hiện. Không, nói đúng hơn là những vụ việc đã xảy ra từ rất lâu nhưng gần đây mới bị phanh phui, đưa ra ánh sáng nhiều hơn. Có thể nói đó là một thực trạng vô cùng đáng buồn, còn đáng buồn hơn là thậm chí những vụ việc được đưa ra ánh sáng lại không thể xử lý hoặc chế tài xử lý còn quá nhẹ. Đây là vấn đề làm cho công chúng vô cùng bức xúc và phẫn nộ.
Tình trạng này càng ngày càng diễn ra hết sức phổ biến hơn, tinh vi, phức tạp hơn. Những chủ thể thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em có thể là giáo viên, huấn luyện viên, người trông trẻ, bác sĩ, hàng xóm hoặc thậm chí là người bên trong gia đình như bố mẹ, anh, chị, em, chú, bác,… Đều là những người có cơ hội tiếp xúc với trẻ em hằng ngày và có cơ hội để thực hiện hành vi đồi bại của mình.
Những đối tượng này lợi dụng sự thiếu hiểu biết, ngây thơ, non nớt không có khả năng tự vệ của trẻ em để dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép các em. Hậu quả để lại là vô cùng nghiêm trọng, cho dù là bất cứ hình thưc xâm hại nào, nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền bất khả xâm phạm về tình dục, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm mà còn tác động lâu dài tới tâm lý của các các em, những vết thương tinh thần không thể nào xóa nhòa được. Tôi nhớ có trường hợp cháu bé trở nên trầm cảm, tự tìm cách cắt da, cắt thịt của mình sau một thời gian dài bị xâm hại, thậm chí có cháu còn tự tìm đến cái chết. Tôi thực sự thấy đau xót và căm phẫn với những người đã gây ra hậu quả vậy.
Nỗi đau này không chỉ là của một mình các em mà còn là nỗi đau của cả người thân, và của cả xã hội.
Câu hỏi 2:
Là người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy, trong thực tế cũng như trong nghiên cứu về ngành Luật, Luật sư có thể chia sẻ những nguyên nhân chính của thực trạng trên ?
Luật sư trả lời:
Nguyên nhân chủ quan:
Thứ nhất, Việc cha mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái ở một số gia đình chính là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Khi trẻ ở một mình, đó chính thời cơ tốt nhất để phạm tội. Và đồng thời việc cha mẹ xa cách, quá nghiêm khắc với con cái, tạo ra tâm lý lo sợ, không dám chia sẻ, trò chuyện để cho tình trạng bị xâm hại vẫn tiếp diễn.
Thứ hai, thực trạng rất đau lòng hiện này là có những cháu bị xâm hại tình dục nhưng không hề biết việc mình bị xâm hại. Đó là do gia đình, nhà trường không nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục giới tính từ khi còn nhỏ.
Thứ ba, khi có tình trạng xảy ra, cha mẹ lại không tin tưởng vào con cái, hoặc biết nhưng lại e ngại, không dám tố giác tội phạm vì lo sợ con mình sẽ bị “điều tiếng”, điều này càng làm cho kẻ phạm tội nhởn nhơ và nhờn mặt.
Nguyên nhân khách quan:
Thứ nhất là sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng Internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực và khiêu dâm đã góp phần dẫn đến nguy cơ trẻ bị xâm hại.
Thứ hai là các quy định trong hệ thống luật pháp hiện chưa đưa ra và xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em được đồng bộ, cụ thể như pháp luật không có quy định những hành vi vuốt ve, sờ mó, ôm ấp… là hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Trong khi, đó chính là nguồn cơn dẫn đến việc số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục.
Thứ ba, pháp luật tuy quy định nghiêm khắc về chế tài xử phạt đối với các hành vi nhưng việc xác định các hành vi phạm tội lại chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong xử lý, việc bỏ lọt tội phạm, giảm tính răn đe của pháp luật đối với các loại hành vi này.
Thứ tư là công tác truyền thông, giáo dục và vận động xã hội để bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa thực sự hiệu quả đã dẫn đến hệ lụy xấu đến trẻ em.
Câu hỏi 3:
Luật sư đánh giá như thế nào về vai trò của công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật và giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng chống xâm hại tình dục cho trẻ em và phụ nữ? Theo Luật sư thì đâu là giải pháp tốt nhất nhằm chống xâm hại tình dục ở phụ nữ và trẻ em?
Luật sư trả lời:
Như tôi đã nói, chính việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng chống xâm hại tình dục cho trẻ em và phụ nữ vẫn còn chưa tốt nên đó là một nguyên nhân của tình trạng xâm hại tình dục đã và đang diễn ra.
Thời gian trước, vấn đề dâm ô, hiếp dâm, quan hệ tình dục với trẻ em vẫn còn là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Mọi người luôn lảng tránh, không muốn nhắc đến dù là trong cuộc sống hay chính trong các văn bản pháp luật cũng không quy định cụ thể, chi tiết như thế nào là hành vi dâm ô, hành vi này biểu hiện ra sao,… Do vậy, rất hiếm có một nơi nào tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này cho tới khi các em trưởng thành.
Tuy nhiên gần đây, do tình trạng dâm ô trẻ em này trở nên phổ biến và nổi cộm, đã có những thay đổi trong suy nghĩ của các nhà quản lý và một bộ phận người dân. Đã bắt đầu có những cuộc vận động, tuyên truyền phổ biến kiến thức về sức khỏe giới tính tới trẻ em. Tuy nhiên, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng; số người thực hiện được nghiệp vụ truyền thông, tư vấn còn hạn chế nên chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao; các sản phẩm truyền thông sản xuất với số lượng ít, chưa đến tay các gia đình… dẫn đến nhận thức, trách nhiệm, năng lực Bảo vệ chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đặc biệt kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu hụt. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ chưa được rộng rãi, thường xuyên.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động chỉ là một trong nhiều phương pháp phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em, chẳng như bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao ý thức của cha mẹ, người thân, ngăn chặn các đối tượng khả nghi tại địa phương,… Tôi cho rằng, biện pháp nào cũng rất cần thiết và cần phải được triển khai đồng thời, đồng bộ, có tổ chức.
Câu hỏi 4:
Thưa Luật sư, trên thực tế thời gian qua việc cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án dâm ô nhưng trên thực tế là vụ hiếp dâm. Theo Luật sư việc nhận định ban đầu của cơ quan tiến hành tố tụng bị sai lệch có phải là hiếm thấy trong thực tế hay không? Và vì sao lại có tình trạng đó ?
Luật sư trả lời:
Đúng như vậy, có rất nhiều vụ việc liên quan đến dâm ô, hiếp dâm, quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi mà cơ quan tiến hành tố tụng kết luận tội khác nhau. Có rất nhiều nguyên do cho tình trạng này:
Thứ nhất, về phía trẻ em, chúng còn rất nhỏ và non nớt, đôi khi lại không hề biết rằng mình bị xâm hại hoặc chúng sợ hãi do bị đe dọa, do định kiến xã hội hay do quan hệ với cha mẹ không gần gũi nên không dám nói về việc mình bị xâm hại, bị làm đau, chỉ đến khi sự việc đã xảy ra nhiều lần, xảy ra lâu rồi mới bị phát hiện. Khi đó thì các dấu vết, chứng cứ phạm tội như vết trầy xước, vết máu tụ, vết tinh dịch, tế bào da,…đã không còn hoặc không đủ để giám định,điều này gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, kết luận.
Thứ hai, Từ phía gia đình nạn nhân, họ lại có tâm lý e ngại, sợ rằng con mình sẽ bị “điều tiếng”, tương lai bị ảnh hưởng nên cố tình che dấu hoặc khai báo không đúng hoặc không đủ so với sự thật. Các phụ huynh coi đó là một suy nghĩ đúng đắn để bảo vệ con mình, bởi lẽ, các nạn nhân của hành vi dâm ô, hiếp dâm, cưỡng dâm luôn là một đối tượng bị công kích bởi một phần nào đó của xã hội – Một thực trạng đáng buồn mà người ta hay gọi là “đổ lỗi cho nạn nhân” (Victim blaming). Nạn nhân lúc này phải chịu tổn thương từ cả hai phía, dẫn đến tình trạng càng trở nên trầm trọng hơn.
Thứ ba, cũng cần phải nhắc đến là các quy định của pháp luật về những tội danh này, còn chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể để phân biệt rạch ròi hành vi nào là dâm ô, là hiếp dâm, là cưỡng dâm, trên cơ sở đó cơ quan tiến hành tố tụng xác định đúng tội.
Thứ tư, việc thăm khám ban đầu của một số bệnh viện chưa thực hiện đúng trách nhiệm, đùn đẩy, quy trình giám định đặc biệt về xâm hại tình dục còn rắc rối, phức tạp, kéo dài, chưa hợp lý, do vậy thường làm mất đi chứng cứ quan trọng của vụ việc.
Câu hỏi 5:
Cho đến thời điểm hiện tại, khi mà các vụ việc hiếp dâm, dâm ô liên tục xảy ra, không ít khán giả có liên lạc, gửi câu hỏi cho chúng tôi với chung một thắc mắc đó là: thế nào là hiếp dâm, thế nào là dâm ô?( Để phòng chống được thực trạng này thì theo Luật sư cần có những kỹ năng gì? – Phần này không nên cho vào)
Luật sư trả lời:
Tôi sẽ trích quy định của pháp luật ra để quý vị khán giả có thể nắm rõ:
Về tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi, được quy định tại Điều 142, Bộ luật hình sự như sau:
“1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
- b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.”
Còn về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, quy định tại Điều 146 như sau:
“Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Việc phân định giữa hiếp dâm với dâm ô chủ yếu xem xét xem đối tượng thực hiện hành vi có chủ ý, mục đích giao cấu với nạn nhân hay không, và có sử dụng vũ lực , đe dọa sử dụng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác hay không?
Các bạn nghe qua cũng sẽ thấy việc phân định giữa dâm ô và hiếp dâm cũng khá mong manh, khi mà chúng ta còn chưa biết rõ xem thế nào là hành vi “quan hệ tình dục khác”, và dâm ô là hành vi cụ thể nào?
Bởi vậy, Quốc Hội cần làm ngay việc bổ sung liệt kê cụ thể các hành vi của Dâm ô, cưỡng hiếp dâm là gì trong BLHS.
Câu hỏi 6:
Theo Luật sư thì hành lang pháp lý hiện nay thì còn có những vướng mắc, khó khăn gì khi quy định tội dâm ô và tội hiếp dâm chưa được cụ thể, rõ ràng? Một số khái niệm về hiếp dâm, dâm ô mà pháp luật đang sử dụng, còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay không thưa luật sư? Kiến nghị của Luật sư về vấn đề này.
Luật sư trả lời:
Các bạn vừa nghe qua khái niệm được quy định tại Bộ luật hình sự, có thể thấy việc phân định giữa dâm ô và hiếp dâm cũng khá mong manh, khi mà chúng ta còn chưa biết rõ xem thế nào là hành vi “quan hệ tình dục khác”, và dâm ô là hành vi cụ thể nào?
Với hành vi “Quan hệ tình dục khác” Có nhiều cách hiểu khác nhau xung quanh quy định này. Theo một số tài liệu đề cập về vấn đề quan hệ tình dục thì cho rằng thuật ngữ quan hệ tình dục khác thường được dùng để chỉ hành vi quan hệ tình dục bằng cách thông qua các bộ phận khác trên cơ thể người nữ giới. Tuy nhiên, cho đến nay, đây là quy định hoàn toàn mới, chưa có văn bản hướng dẫn, khiến những người áp dụng pháp luật gặp khó khăn khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với dạng hành vi này.
Liên quan đến tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, có 2 tài liệu giải thích khái niệm “dâm ô” là thông tư liên tịch số 01/1998 và bản tổng kết hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và hành vi giao cấu khác về mặt tình dục của TAND tối cao. Tuy nhiên, đây là những tài liệu đã hết hiệu lực áp dụng. Trong khi đó Bộ luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) lại chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi dâm ô.
Khái niệm dâm ô trước đây liệt kê hành vi là như sờ, bóp, tiếp xúc với các bộ phận nhạy cảm của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của tội phạm … Trong khi tội phạm hiện đại có thể như hành vi quấy rối, đụng chạm cơ thể khác, lời nói cũng thỏa mãn ý chí loạn dâm dục của tội phạm và gây ảnh hưởng tới nạn nhân thì lại không có hoặc không bị coi là dâm ô. Do vậy, cách hiểu cũ, quy định cũ đã không còn phù hợp nữa.
Quy định hiện hành trong BLHS vẫn phù hợp nhưng còn thiếu chi tiết hành vi.
Và cuối cùng, đó là sự thiếu đi quy định về quy trình giám định đặc biệt đối với loại án xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, trong khi quy trình hiện nay là quá bất cập, chậm chạp, là nguyên nhân dẫn đến để lọt tội phạm.
Tôi cho rằng, tất cả những điều này cần phải được các cơ quan chức năng cân nhắc ngay để sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tế sớm nhất.
Video tư trả lời phỏng vấn đài truyền hình Hà Nội của Luật sư Lê Ngọc Khánh