Sáng ngày 5/12/2018 vừa qua, người dân nhặt được cháu bé 4 tháng tuổi trong thùng rác tại khu vực đường Doãn Kế Thiện, Cầu Giấy, Hà Nội. Theo thông tin báo chí đưa tin thì trước thời điểm xảy ra sự việc, có một người phụ nữ ôm đứa bé vào Làng trẻ SOS nói là muốn gửi cháu bé tại đây nhưng bảo vệ của Làng trẻ khi ấy đã từ chối. Dưới góc nhìn và quan điểm của một Luật sư, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc (Công ty Luật TGS – thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), tôi cho rằng:
Nhìn từ căn cứ góc độ pháp lý:
Theo Giám đốc Làng trẻ SOS- Ông Nguyễn Văn Sinh trả lời, việc từ chối tiếp nhận cháu bé do Làng chỉ tiếp nhận những trường hợp đối tượng là trẻ mồ côi cha mẹ, trẻ em theo hướng dẫn của nghị định 136.
Cụ thể đối tượng được quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội như sau:
“Điều 5. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:
a) Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;
b) Mồ côi cả cha và mẹ;
c) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật;
d) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
đ) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
e) Cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật;
g) Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
h) Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
i) Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
k) Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.”.
Như vậy, trong trường hợp trên, cháu bé vẫn còn có mẹ, cho nên không thuộc đối tượng được nhắc đến tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 136. Việc từ chối tiếp nhận cháu bé tại thời điểm ban đầu của Làng trẻ SOS là không sai.
Ngoài ra với đối tượng là mẹ cháu bé tự ý vứt bỏ con mình đã vi phạm pháp luật tới quyền trẻ em cũng như nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái. Cụ thể theo quy định tại điều 4, 5, 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì trẻ em không phân biệt giới tính, con trong giá thú hay ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi,con chung, con riêng, không phân biệt tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội,..đều được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, Nghiêm cấm hành vi bỏ rơi con. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con.
Từ góc độ trách nhiệm, hậu quả pháp lý
Tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em, cụ thể ở điều 22 quy định mức xử phạt từ 10- 15 triệu đồng đối với hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng
và giáo dục trẻ em để trẻ em không rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm.
Trường hợp trên, cháu bé may mắn được người dân phát hiện kịp thời nên không có hậu quả đáng tiêc gì xảy ra. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp khác, việc cha mẹ vứt bỏ con nhỏ khiến cháu bé tử vong có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với trường
hợp cháu bé trên 07 ngày tuổi, người thực hiện hành vi có thể bị khởi tố với Tội giết người (Điều 123 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017) hoặc Tội vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
Khoản 1, Điều 123 BLHS hiện hành quy định:
“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
…
b) Giết người dưới 16 tuổi;
”.
Điều 128 BLHS hiện hành quy định:
“1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm….”.
Với trường hợp phạm tội giết người thì người mẹ có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình với hình thức lỗi có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp:
- Lỗi cố ý trực tiếp: Người mẹ thấy trước hậu quả là cái chết của con mình có thể xảy ra nhưng vì mong muốn hậu quả xảy ra nên đã thực hiện hành vi phạm tội của mình.
- Lỗi cố ý gián tiếp: Người mẹ nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con, thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng để đạt được mục đích của mình nên người mẹ đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Như vậy, để truy cứu trách nhiệm hình sự với hai tội danh trên thì điều kiện cần thiết là hậu quả chết người phải xảy ra. Tuy nhiên, rất may là em bé đã được tìm thấy nên nếu tìm được người phụ nữ này cũng chỉ có thể sử phạt hành chính theo nội dung Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em, cụ thể ở điều 22 quy định mức xử phạt từ 10- 15 triệu đồng đối với hành vi “bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em không rơi vào hoàn cảnh đặc biệt”. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm.
Không sai nhưng đã thực sự thỏa đáng?
Rõ ràng có thể thấy những bất cập trong cả quá trình chúng ta nhắc đến ở đây. Trước hết là người tiếp nhận thông tin. Ngay tại thời điểm ban đâu, khi mẹ cháu bé ôm con đến mong muốn được để con mình lại đây, thì người tiếp nhận thông tin lại chỉ là bảo vệ.
Thay vì đưa cả hai đến gặp mặt người có thẩm quyền xem xét, hoặc ít nhất là lấy thông tin cơ bản từ hai mẹ con thì bảo vệ của Làng trẻ SOS đã từ chối ngay lập tức với lý do không thuộc đối tượng của trung tâm.
Thông thường khi cá nhân là cha, mẹ có ý định bỏ con lại thì tâm lý họ thường không ổn định, mong muốn bỏ con lại và rời đi thật nhanh để không ai nhận ra họ. Như vậy, việc làm dịu tâm lý cảnh giác của những người làm cha, làm mẹ này là bước rất quan trọng.
Nếu ngay từ đầu phía Làng trẻ SOS có thể giải thích rõ ràng thông tin để người mẹ trẻ hiểu được hay có hướng xử lý khéo léo hơn thì có lẽ sự việc đau lòng trên đã không xảy ra.
Thứ hai là việc vứt bỏ con của người cha, người mẹ. Mọi người phải có trách nhiệm với chính con cái của mình. Mỗi một đứa trẻ sinh ra đều có quyền được sống, được học tập và được phát triển toàn diện. Dù là ai cũng không thể tước đoạt đi những quyền đó của các con.