Để bảo đảm tính chính xác, khách quan trong phán quyết của Toà án, bảo vệ các quyền tự do dân chủ, công bằng của công dân, các quốc gia đều áp dụng nguyên tắc xét xử nhiều lần. Do đó pháp luật tố tụng Việt Nam cũng quy định chế độ hai cấp xét xử, đó là: xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm.
Xét xử sơ thẩm là giai đoạn xét xử thứ nhất. Thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định:
1. Thẩm quyền xét xử
1.1. Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo cấp
a) Tòa án nhân dân cấp Huyện
Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực (gọi chung là Toà án cấp huyện) có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ các tội quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự.
b) Tòa án nhân dân cấp Tỉnh
Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.
Tuy nhiên trong Bộ luật tố tụng hình sự cũng như các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể các trường hợp nào thì Tòa án cấp tỉnh được lấy lên để xét xử, do đó tạo nên sự tùy tiện, có những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp Huyện nhưng ngay từ đầu đã do Cơ quan điều tra cấp tỉnh thực hiện, do Viện kiểm sát tỉnh khởi tố nên mặc nhiên do Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử. Nó tạo nên sự không thống nhất và tùy tiện trong áp dụng pháp luật.
c) Tòa án Quân sự
Toà án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công nhân, nhân viên quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, dân quân tự vệ phối thuộc chiến đấu với quân đội và những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý và những người tuy không thuộc các đối tượng trên nhưng hành vi phạm tội của họ có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội.
Trên thực tế dễ xảy ra tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Tòa án quân sự và Tòa án nhân dân về những vụ án mà người phạm tội là dân thường nhưng có hành vi xâm phạm đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội. Nhưng hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là gây thiệt hại cho quân đội.
1.2. Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ
Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.
»Xem thêm: Dịch vụ tranh tụng các vụ án hình sự
2. Giới hạn của việc xét xử
Theo Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
“Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.
Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.”
Ví dụ: trong trường hợp bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố về tội cố ý gây thương tích nhưng trong quá tình nghiên cứu xét xử Tòa án và Viện kiểm sát đều thấy rằng bị cáo phạm tội giết người chứ không phải là cố ý gây thương tích, tuy nhiên do tội giết người là tội phạm nặng hơn so với tội cố ý gây thương tích do đó mà Tòa án không thể xét xử bị cáo về tội giết người mà chỉ có thể xét xử về tội cố ý gây thương tích. Đây có thể nói là một vướng mắc trong quy định của pháp luật cần được giải quyết.
3. Người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng
– Người tiến hành tố tụng gồm có: Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký Toà án và Kiểm sát viên.
– Người tham gia tố tụng gồm có: Bị cáo; người bào chữa; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người bảo vệ quyền lợi của đương sự; người làm chứng; người giám định”, người phiên dịch.
4. Thủ tục xét xử phiên toà sơ thẩm vụ án hình sự
Điều 185 BLTTHS quy định về thành phần Hội đồng xét xử:
– Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, thì Hội đồng xét xử có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
– Đối với vụ án mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì Hội đồng xét xử gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
Thủ tục phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự gồm:
4.1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa
Phiên tòa sẽ được bắt đầu như sau:
– Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử
– Thư ký tòa án sẽ báo cáo danh sách những người triệu tập đã có mặt; chủ tọa phiên tòa kiểm tra Chứng minh thư hoặc thẻ căn cước của người này và giải thích cho họ biết về quyền và nghĩa vụ của mình.
– Giải quyết đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người phiên dịch
– Giải quyết những yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt
4.2. Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa
– Đại diện Viện kiểm sát đọc bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung nếu có.
– Khi xét hỏi thì chủ tọa phiên tòa sẽ hỏi trước sau đó đến các Hội thẩm, đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia phiên tòa cũng có quyền đề nghị với chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định.
– Công bố lời khai tại Cơ quan điều tra
– Hỏi bị cáo: hỏi riêng từng bị cáo; Hội đồng xét xử hỏi, Kiểm sát viên hỏi, người bào chữa hỏi, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
– Hỏi người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ
– Hỏi người làm chứng
– Xem xét vật chứng
– Việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét, báo cáo của cơ quan, tổ chức
– Kết thúc xét hỏi: Khi nhận thấy các tình tiết vụ án đã được xem xét đầy đủ thì chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia tố tụng có yêu cầu xét hỏi vẫn đề gì nữa không. Nếu không thi kết thúc phần xét hỏi chuyển sang phần tranh luận.
4.3. Tranh luận tại phiên tòa
a) Trình tự phát biểu khi tranh luận
– Kiểm sát viên sẽ trình bày lời luận tội
– Bị cáo hoặc người bào chữa cho bị cáo trình bày lời bào chữa
– Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích của họ trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình
b) Đối đáp
– Bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác được trình bày ý kiến và đề nghị của mình đối với phần luận tội của Kiếm sát viên
+ Người tham gia tranh luận được quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án
– Trở lại việc xét hỏi
+ Nếu qua tranh luận mà thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử có thể quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.
c) Bị cáo nói lời sau cùng
Sau khi những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm thì chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần tranh luận vầ cho bị cáo nói lời sau cùng.
4.4. Nghị án và tuyên án
– Chỉ có Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án. Tất cả các vấn đề cần giải quyết phải được thông qua theo nguyên tắc biểu quyết đa số từng vấn đề.
– Nếu nghị án thấy có tình tiết chưa được xét hỏi hoặc xét hỏi chưa đầy đủ thì quay lại phần xét hỏi và tranh luận
– Tòa án ra bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
– Tuyên án: Khi tuyên án thì tất cả mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Chủ tọa phiên tòa hoặc một người khách trong Hội đồng xét xử sẽ đọc bản án. Sau đó giải thích về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.
– Trả tự do cho bị cáo: Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 227 BLTTHS
– Bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án: quy định tại Điều 228 BLTTHS
Mọi vấn đề cần tư vấn liên hệ tới tổng đài 1900 8698_Luật sư TGS LawFirm sẽ hỗ trợ và giải đáp chi tiết