Trả lời:
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất, tránh việc làm phức tạp thêm tranh chấp, phát sinh thêm các vướng mắc, tranh chấp và khiếu kiện liên quan đến quyền sử dụng đất đang có tranh chấp thì pháp luật quy định: Nếu đất đang có tranh chấp thì người sử dụng đất không được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 188 Luật Đất đai năm 2013).
Đồng thời, tại điểm đ khoản 1 Điều 11a, Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định “khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất” thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (“Giấy chứng nhận”)
Như vậy, nếu quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đang có tranh chấp và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đã có văn bản về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ có quyền từ chối hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận.
Thửa đất mà bạn đã mua là có tranh chấp giữa người bán đất và người vợ cũ. Tuy nhiên, nếu tranh chấp này đã được Tòa án giải quyết và cả hai cấp Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm đều tuyên người bán đất thắng kiện, thì tranh chấp này đã được giải quyết xong, quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp sẽ được thực hiện theo phán quyết của Tòa án trong bản án đã có hệu lực pháp luật.
Do đó, nếu UBND Phường căn cứ vào vụ việc tranh chấp giữa người bán đất và vợ cũ, để cho rằng thửa đất bạn mua vẫn đang có tranh chấp là không đúng pháp luật. Trong trường hợp này, bạn có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND Phường và những người có thẩm quyền khác, để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn theo quy định của Luật Khiếu nại 2011.
Tuy nhiên, nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật giải quyết tranh chấp giữa người bán đất và người vợ cũ đã bị hủy theo quyết định giám đốc thẩm hoặc quyết định tái thẩm của Tòa án có thẩm quyền và Tòa án đang giải quyết lại vụ án theo thủ tục xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm; hoặc phát sinh các tranh chấp mới liên quan đến thửa đất này và đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp, thì thửa đất sẽ vẫn bị coi là đang có tranh chấp và không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận. Trong những trường hợp này, chỉ khi Tòa án hoặc người có thẩm quyền giải quyết xong các tranh chấp thì thửa đất mới có thể được xem xét và cấp Giấy chứng nận theo quy định của pháp luật.